Thị trường đường tháng 5: Tồn kho hơn 700 nghìn tấn đường
Tính đến cuối tháng 5/2017, các nhà máy đường đã ép được hơn 12 triệu tấn mía, giảm 519.582 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, tính đến cuối tháng 5/2017, đã có 23/39 nhà máy đường (NMĐ) kết thúc vụ, trong đó, 11/11 NMĐ ở miền Bắc, 3/14 nhà máy đường ở miền Trung - Tây Nguyên, 6/6 NMĐ ở Đông Nam Bộ và 3/8 nhà máy đường ở ĐBSCL.
Cùng thời điểm, các nhà máy đường đã ép được hơn 12 triệu tấn mía, giảm 519.582 tấn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời sản xuất được hơn 1,33 triệu tấn đường (bao gồm cả 212.000 tấn đường sản xuất từ đường thô), tăng 117.208 tấn so với cùng kỳ năm trước. Về tồn kho, hiện các nhà máy đường còn tồn 704.549 tấn, tại các công ty thương mại là 43.675 tấn.
Cũng theo Cục Quản lý giá, giá mía 10 CCS tại ruộng tháng 5/2017 tăng khoảng 100 đồng/kg so với tháng 4/2017. Trong đó, giá mía trung bình tại miền Bắc là 900 - 1.000 đồng/kg; miền Trung - Tây Nguyên: 930 - 1.200 đồng/kg; Miền Nam: 1.025 - 1.250 đồng/kg.
Giá bán buôn đường trên thị trường tháng 5/2017 tiếp tục giảm so với tháng 4/2017 do sản lượng dồi dào, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng không cao: Giá bán buôn đường RS ở mức khoảng 15.100 - 16.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; giá bán buôn đường RE ở mức khoảng 16.600 - 17.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Giá bán lẻ đường trên thị trường ổn định mức 18.000 - 21.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá bán giảm được cho là do đường nhập lậu từ bên ngoài đang tràn nhiều vào trong nước, còn lượng đường tồn kho tại các doanh nghiệp cũng đang ở mức kỷ lục.
Thế giới
So với tháng 4/2017, giá đường giao kỳ hạn thế giới tháng 5/2017 giảm do thị trường tin tưởng niên vụ mía đường 2017 - 18 sẽ đạt mức sản lượng cao.
Cụ thể tại New York, giá đường thô giao tháng 7/2017 ở mức khoảng 15,02 - 16,51 Uscent/Lb Uscent/Lb, giảm 0,32-0,41 Uscent/Lb; tại Luân Đôn, giá đường trắng giao tháng 08/2017 ở mức khoảng 438,4 - 473,2USD/tấn, giảm 8 USD/tấn.
“Cuộc chiến trên thị trường đường” đang bùng nổ khi các chính phủ và người tiêu dùng đồng loạt e ngại đối với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng như bệnh tiểu đường khiến tăng trưởng nhu cầu đường trên toàn cầu chậm lại đáng kể, trong bối cảnh một số yếu tố khác cho thấy tiêu thụ đường có thể sẽ có những sự thay đổi đáng kể trong tương lai. Theo kết quả phân tích của một nhóm nghiên cứu thuộc Platts Kíngsman, tiêu thụ đường trong năm marketing 2017/18 có thể chậm nhất trong vòng 7 năm, chỉ tăng khoảng 1,04% bằng một nửa mức tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm suốt thập kỷ qua.
Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, đang đưa ra các quy định để quản trị hệ thống giao dịch đường niên vụ 2017/18, dự kiến vận hành vào tháng 11/2017, nhằm đưa hệ thống này tuân thủ các quy định của WTO. Liên quan đến động thái mới nhất của Trung Quốc là tăng thuế đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch, các nhà chức trách ngành đường Thái Lan cho rằng Thái Lan sẽ không chịu tác động tiêu cực của động thái này. Ngày 22/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế rất cao lên đường nhập khẩu sau các đợt vận động hành lang của các nhà sản xuất đường nội địa, nhưng các chuyên gia cho rằng biện pháp bảo hộ này không đủ mạnh để ngăn luồng đường giá thấp chảy vào nước này – nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới hiện nay.
Dự báo
Tháng 6 sản xuất của các nhà máy đường ước đạt 100.000 tấn và vụ 2016/2017 ước đạt 1,27 triệu tấn đường từ mía, tăng khoảng 32.690 tấn so với với vụ 2015/2016 (1.237.310 tấn). Giá đường trong nước có khả năng ổn định so với tháng 5/2017.