Giá khó phục hồi trong năm nay, ngành mía đường nên chuyển hướng thế nào?
Thái Lan giảm xuất khẩu đường, tăng sản xuất ethanol | |
Giá đường tháng 4 tiếp tục giảm mạnh, tồn kho gần chạm mốc 700.000 tấn | |
Nông dân và doanh nghiệp 'nếm vị đắng' mía đường! |
Lỗ nhưng vẫn phải bán
Hiện nay, ngành đường đang gặp khó khăn khi tồn kho liên tục tăng qua từng tháng trong khi giá đường giảm mạnh khiến nông dân và các nhà máy lao đao.
Giá thu mua mía trong tại ruộng trong tháng 4 khu vực miền Trung Tây Nguyên từ 800.000 đến 900.000 đồng/tấn và miền Nam từ 800.000 đến 950.000 đồng/tấn. Mức giá này giảm mạnh mạnh từ 150.000 - 200.000đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Không nên kỳ vọng giá đường sẽ tăng trong năm nay |
Giá đường các nhà máy bán ra hiện nay gần chạm giá đường lậu. Giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc giao động từ 11.000 đến 12.000đ/kg; Miền Trung Tây Nguyên từ 10.500 đến 11.000đ/kg; Miền Nam từ 11.200 đến 11.800đ/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá đường giảm mạnh từ 5.000 - 5.500đ/kg. Trong khi đó, giá đường lậu Thái Lan trong tháng 4 dao động từ 10.300 đồng/kg đến 10.800 đồng/kg, tức là thấp hơn so với giá đường trong nước khoảng từ 200- 1.000 đồng/kg.
Một số nhà máy đường phải chịu lỗ khi giá thành đường cao. Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá thành đường tại các nhà máy hiện nay dao động khoảng 11.000 đồng/kg - 13.000 đồng/kg. Mặc dù lỗ nhưng các nhà máy vẫn phải bán ra vì nếu không tiêu thụ được thì sẽ không có tiền thanh toán mía cho bà con nông dân và các khoản chi phí khác.
Bài toán giải quyết tồn kho đường vẫn còn đang là dấu hỏi lớn đối với ngành. Tồn kho đường hiện nay đã lên tới 693.154 tấn tính đến hết tháng 4. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Theo ông Doanh, năm nay sẽ là năm khó khăn nhất của ngành đường, theo chu kỳ 5 - 7 năm/lần. Trong báo cáo thị trường tháng 4, Hiệp hội cũng nhận định về ngắn hạn, giá đường tháng 5 trong nước nhiều khả năng sẽ giữ ở mức như hiện nay.
Cùng lúc đó, Tổ chức Mía đường Quốc tế (ISO) cảnh báo thị trường không nên quá kỳ vọng giá đường sẽ tăng trở lại đồng thời dự báo thế giới sẽ dư thừa sản lượng trong khi nhu cầu vẫn yếu.
Mục tiêu sản xuất 2 triệu tấn đường năm 2020 có khả thi?
Theo Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích mía nguyên liệu đạt 300.000 ha đến năm 2020 và giữ ổn định ở mức này đến năm 2030.
Năng suất mía đường bình quân năm 2020 đạt 68 - 70 tấn/ha. Sản lượng mía từ 20 - 21 triệu tấn; trong đó, sản lượng mía đưa vào ép 19 triệu tấn. Năng suất đường đạt 7 tấn/ha.
Mục tiêu sản lượng đường đạt khoảng 2 triệu tấn, trong đó 1,3 triệu tấn là đường tinh luyện và 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác.
Hiện nay, chất lượng mía Việt Nam vẫn còn thấp. Năng suất đường và mía bình quân lần lượt đạt 61,3 tấn/ha và 5,64 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiệu suất thu hồi tấn mía/tấn đường vẫn ở mức cao, trên 10 tấn mía/1 tấn đường.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kết thúc niên vụ 2017 - 2018, sản lượng đường đạt 1,2 triệu tấn đường, tức là thấp hơn 800.000 tấn so với mục tiêu 2 triệu tấn đến năm 2020. Vì vậy, nếu kỹ thuật canh tác không thay đổi, chất lượng cây mía không được cải thiện thì mục tiêu sản lượng đường 2 triệu tấn đến năm 2020 sẽ là thách thức lớn đối với ngành đường.
"Phao cứu sinh" khi giá đường giảm
Kinh nghiệm từ Brazil cho thấy cách xử lý khôn ngoan của ngành đường nước này khi giá đường liên tục lao dốc trong vụ mùa năm nay. Theo đó, nước này tập trung sử dụng mía để sản xuất ethanol thay vì đường. Bộ Nông nghiệp kinh tế tài nguyên và khoa học Australia trước đó dự đoán sản lượng đường thế giới niên vụ 2017 - 2018 sẽ giảm 4 triệu tấn xuống 186 triệu, chủ yếu do sự chuyển dịch này của Brazil.
Trang Farmonline.com dẫn lời Công ty tư vấn INTL FCStone cho biết thu nhập từ sản xuất ethanol cao hơn tới 33,4% so với sản xuất đường. Mặc dù mức chênh lệch này giảm xuống còn 11,9% trong tháng 4 do giá giá ethanol giảm nhưng lợi nhuận của việc sản xuất nhiên liệu sinh học này so với đường vẫn ở ngưỡng cao kỷ lục trong tháng đầu tiên của niên vụ.
Trong lúc ngành đường đang gặp khó khăn như hiện nay, ông Doanh khuyến nghị các nhà máy cần nâng cao hiệu suất thu hồi của nhà máy và tận dụng các sản phẩm sau đường. Chẳng hạn như phần bã mía được sử dụng cho các nhà máy phát điện, mật rỉ dùng để sản xuất ethanol, phần bã bùn dùng làm phân bón. Đây cũng sẽ là nguồn thu cho các nhà máy từ đó hạ giá thành của đường và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.
Trong Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng năm 2030 , Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến khích các nhà máy đầu tư sản xuất các sản phẩm từ phế phụ phẩm sản xuất đường để nâng ca hiệu quả. Theo đó, khối lượng bã mía được sử dụng để sản xuất điện khoảng 5,5 triệu tấn/năm, tương đương 90% bã mía từ sản xuất đường. Sản lượng điện đạt khoảng 1,1 triệu kWh/năm, trong đó điện lưới đạt 20-30%. Đối với các nhà máy có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên, Bộ khuyến khích hình thành cụm công nghiệp mía đường và điện năng.
Khối lượng mật rỉ sử dụng để sản xuất cồn khoảng 200.000 - 220.000 tấn/năm, tương đương 22-24% tổng lượng mật rỉ từ sản xuất đường. Sản lượng cồn 100% đạt khoảng 56.000 kg/năm. Khối lượng phân vi sinh hữu cơ sản xuất từ lượng bà bùn đạt khoảng 350.000 tấn/năm.