Thị trường dầu mỏ trầm lắng, trái với kỳ vọng của phố Wall sau quyết định giảm sản lượng của OPEC+
Theo CNBC, giá dầu một lần nữa giảm xuống gần ngưỡng 80 USD/thùng, gần bằng so với thời điểm đầu tháng 4, trước khi các thành viên của liên minh OPEC + tuyên bố cắt giảm tổng cộng 1,6 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay.
Sản lượng sụt giảm khiến một số nhà phân tích cảnh báo giá có thể tăng lên ba con số, trong đó, ngân hàng Goldman Sachs điều chỉnh dự báo dầu Brent tăng 5 USD/thùng lên 95 USD/thùng cho tháng 12 năm 2023.
Tuy nhiên, hiện các nhà phân tích cho rằng rằng tình trạng hỗn loạn tài chính trên diện rộng đã cản trở triển vọng tăng giá này, vì các yếu tố cung-cầu bị lấn át bởi những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Các nhà phân tích của Barclays cho biết: “Thị trường dầu mỏ đã hoàn toàn mất dần đà tăng từ việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ vào đầu tháng 4 và chúng tôi nghĩ rằng điều này chủ yếu phản ánh sự bi quan sâu sắc về triển vọng vĩ mô, với rất ít yếu tố có thể gia tăng của nhu cầu trong ngắn hạn”.
“Lợi nhuận lọc dầu yếu hơn và nhu cầu vận chuyển hàng hóa gần đây đã được chú ý, nhưng chúng tôi tin rằng thị trường có thể đang quan tâm quá nhiều đến tác động của những xu hướng này đối với triển vọng nhu cầu. Chúng tôi cũng cho rằng thị trường có thể đang đánh giá thấp quyết tâm của OPEC+ trong việc kiểm soát tình hình tồn kho.”
“Mọi người thực sự đặt cược vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại,” Helima Croft, giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, trả lời trang CNBC.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã hạn chế mua vào năm ngoái trong bối cảnh nước này thực hiện chính sách Zero COVID làm giảm nhu cầu nhiên liệu vận tải. Croft lưu ý rằng Trung Quốc đã dần dần dỡ bỏ các biện pháp phòng chống đại dịch kể từ cuối năm ngoái và nhu cầu dầu thô trong nước đang quay trở lại - nhưng với tốc độ chậm hơn.
“Và vấn đề của Fed là có thật. Tôi nghĩ rằng đó là điều mà rất nhiều người trong chúng ta đã sai về tác động của việc tăng lãi suất, mối lo ngại về suy thoái kinh tế,” bà nói thêm.
“OPEC đã giảm sản lượng kèm theo nhu cầu mạnh mẽ ở Ấn Độ, Trung Quốc đang mở cửa trở lại - đây là những yếu tố tích cực giúp giá tăng trong tương lai. Mọi người vẫn lạc quan về nửa cuối năm, nhưng câu hỏi đặt ra là thị trường có thể vượt qua bức tường vĩ mô lớn với đầy dãy những khó khăn hiện tại hay không?”
Ông Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler, nói với CNBC qua e-mail rằng giá dầu đã bị ảnh hưởng bởi “một loạt tin tức kinh tế vĩ mô ảm đạm liên tục tạo ra tâm lý tiêu cực”, cũng như sự mất lòng tin của thị trường vào việc thực hiện cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Nhưng ông Katona dự đoán tình trạng thắt chặt sản lượng kèm nhu cầu tăng theo chu kỳ sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá trong mùa hè.
Ông nói: “Chúng tôi vẫn coi tháng 7 và tháng 8 là những tháng nguồn cung khan hiếm nhất trong năm 2023, với nhu cầu vượt cung khoảng 2 triệu thùng/ngày” ông nói.
Nhưng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể chỉ tạo động lực nhỏ đối với thị trường dầu. Một nguồn tin cho rằng những yếu tố tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đã được phản ánh vào giá. Nhu cầu tăng thêm của Trung Quốc thậm chí đã được bổ sung bởi nguồn cung từ Nga. hó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết, Moscow đã chuyển 20% lượng dầu cung cấp cho châu Âu sang các thị trường khác như châu Á.
Dữ liệu của Kpler chỉ ra rằng nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc đạt trung bình 1,59 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2022.
Croft nói rằng những người mua Trung Quốc là “những người hưởng lợi từ các chính sách trừng phạt”, vì dầu giá rẻ của Moscow cũng thúc đẩy các nước khác những người bán bị trừng phạt, chẳng hạn như Venezuela và Iran, cũng giảm giá dầu thô của họ.
Giá dầu đã bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của một số công ty tài chính của Mỹ và Châu Âu thời gian qua, điều này khiến các tài sản rủi ro như hàng hoá kém hấp dẫn với các nhà đầu tư. Các nguồn tin của OPEC+ nói với CNBC vào thời điểm đó rằng những lo ngại do tâm lý này có thể chỉ là tạm thời và bị gạt sang một bên bởi thực tế cung-cầu.
“Khi nói về nước Nga, bạn sẽ thấy Nga thực hiện những cắt giảm không hẳn là tự nguyện. Về cơ bản, việc cắt giảm sản lượng là do họ chịu lệnh trừng phạt. Tôi nghĩ ngay bây giờ vấn đề cần quan tâm là Arab Saudi và các nhà sản xuất vùng Vịnh khác, họ muốn làm gì. Một lần nữa, Nga rất vui khi có bất cứ thứ gì làm tăng giá, nhưng họ không phải là người làm chủ cuộc chơi”, ông Helima Croft nhận định.
Tầm ảnh hưởng của Nga trong nhóm OPEC+ đã bị kìm hãm bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với việc nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu của nước này.
Khi giá dầu ổn định ở mức 80 USD/thùng, Croft đã đặt câu hỏi về những nguồn lực nào vẫn còn trong kho "vũ khí" của OPEC+: “Câu hỏi đặt ra là ngay bây giờ, liệu họ có nhiều nguồn lực không, khi cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 6?”