Thị trường dầu mỏ năm 2017 sẽ ra sau hai thỏa thuận lịch sử của OPEC?
Hai thỏa thuận hỗ trợ giá dầu cuối năm 2016
Giá dầu thô thế giới bắt đầu lao dốc từ ngưỡng 114 USD/thùng vào giữa năm 2014 xuống dưới 50 USD/thùng vào đầu năm 2015, và tiếp tục bắt đáy gần 13 năm vào đầu năm nay. Dù sau đó đã thoát đáy vì nguồn cung bị gián đoạn, nhất là do tác động từ vụ cháy rừng lớn tại trung tâm dầu cát lớn của Canada và các vụ phá hoại cơ sở hạ tầng tại Nigeria, nhưng giá dầu vẫn giao dịch dưới ngưỡng hỗ trợ 50 USD/thùng.
Sản lượng dầu hiện tại của các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nguồn: Jodi. |
Giá dầu thô chỉ tăng bứt phá hơn và vượt ngưỡng 50 USD/thùng sau khi OPEC đàm phán thành công với các nước thành viên vào ngày 30/11 để cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày trong nửa đầu năm 2017, tương đương 3% của tổng sản lượng hiện tại của hiệp hội.
Trong đó, Saudi Arabia đồng ý cắt giảm 486.000 thùng xuống còn 10,06 triệu thùng. Thậm chí, Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih cho biết, tùy thuộc vào tình hình thị trường, Saudi Arabia sẵn sàng cắt giảm sản lượng xuống dưới ngưỡng 10 triệu thùng/ngày - mức sản lượng mà nước này đã cố gắng duy trì kể từ tháng 3/2015 nhằm đảm bảo thị phần trên thị trường dầu mỏ.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm trở lại đây, các nước thành viên OPEC có thể đi tới đồng thuận cắt giảm sản lượng dầu thô vì mục tiêu cân bằng thị trường dầu toàn cầu.
Ngay sau đó, thị trường dầu mỏ thế giới lại đón nhận thêm một thỏa thuận thứ hai khi ngày 10/12 OPEC đàm phán thành công với một số nước ngoài hiệp hội để cắt giảm thêm 558.000 thùng dầu/ngày trong 6 tháng đầu năm 2017, giúp giá dầu thô duy trì trên ngưỡng 50 USD/thùng cho tới thời điểm hiện tại.
Cụ thể, Nga vẫn giữ cam kết cắt giảm 300.000 thùng dầu/ngày từ mức sản lượng 11,2 triệu thùng/ngày của tháng 11. Nga dự tính, sản lượng dầu thô của nước này sẽ giảm xuống còn 10,947 triệu thùng/ngày sau 6 tháng cắt giảm.
Ngoài ra, Mexico đồng ý cắt giảm 100.000 thùng/ngày, Azerbaijan cắt giảm 35.000 thùng và Oman cắt giảm 40,000 thùng. Đáng chú ý, Kazakhstan - quốc gia vừa cho hoạt động khu khai thác dầu khổng lồ hồi tháng 10/2016 - cũng đồng ý cắt giảm 20.000 thùng dầu/ngày.
Liệu hai thỏa thuận của OPEC có đưa giá dầu lên 70 USD/thùng?
Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu thế giới có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ lên 60 USD/thùng trong năm tới nhờ cung – cầu đều giảm.
Cụ thể, IEA ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2016, chủ yếu là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này ước giảm xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày trong năm tới. Trong khi đó, theo tính toán của Bloomberg, nếu OPEC và 11 nước sản xuất dầu khác tuân thủ hai thỏa thuận đã ký kết vào ngày 30/11 và 10/12, tồn kho dầu thô toàn cầu sẽ giảm tới 46% từ mức 300 triệu thùng hiện tại trong vòng 6 tháng đầu năm 2017.
Dự trữ dầu tho toàn cầu sẽ giảm tới 46% nếu các nước tuân thủ hai thỏa thuận với OPEC. Nguồn: Bloomberg. |
Cũng theo Bộ trưởng dầu khí Venezuela - Eulogio del Pino nếu thỏa thuận cắt giảm của OPEC có thể kéo giảm kho dự trữ toàn cầu về mức bình thường thì giá dầu có thể quay trở lại mức 60-70 USD/thùng, còn nếu không giá sẽ chỉ dao động dưới mức 60 USD/thùng.
Trong khi đó, Bộ trưởng dầu khí Nigeria - Emmanuel Kachikwu lạc quan hơn khi cho rằng thị trường dầu thế giới sẽ tái cân bằng trở lại vào thời điểm giữa năm 2017, và giá dầu sẽ có thể vượt mức 60 USD/thùng.
Theo số liệu thu thập của Oilprice.com, các tổ chức và ngân hàng đầu tư lớn đều dự báo giá dầu thô sẽ dao động trong khoảng 50 – 60 USD/thùng trong năm tới.
Trên thực tế, giá dầu thô đã dần phục hồi kể từ giữa tháng 11 với kỳ vọng vào hai đàm phán cắt giảm sản lượng của OPEC. Tuy nhiên, phải đến khi OPEC thực sự đàm phán thành công với các nước thành viên và ngoài tổ chức trong nửa đầu năm tới, giá dầu mới thực sự tăng bứt phá hơn.
Diễn biến giá dầu toàn cầu Brent kể từ đầu năm nay. Nguồn: DailyFX. |
Diễn biến giá dầu WTI của Mỹ kể từ đầu năm nay. Nguồn: DailyFX. |
Hiện nay, vấn đề quan trọng, mang tính quyết định đối với giá dầu thế giới trong thời gian sắp tới là việc liệu thỏa thuận cắt giảm của OPEC có thực sự kéo giảm được kho dầu dự trữ khoảng 300 triệu thùng của thế giới hay không.
Xét về lý thuyết, hai thỏa thuận của OPEC sẽ giúp tồn kho dầu thô toàn cầu giảm 1,8 triệu thùng/ngày – vượt mức dư thừa hiện nay là 1,5 – 1,6 triệu thùng/ngày, với điều kiện là các nước xuất khẩu dầu không tham gia thỏa thuận với OPEC không tăng sản lượng dầu so với hiện tại.
Tất nhiên, đây là một điều tương đối khó xảy ra.