Thị trường dầu mỏ có thể chứng kiến một cú sốc nhu cầu khác
Phát biểu tại Hội nghị Trực tuyến về Dầu khí châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của S&P Global Platts (APPEC) ngày 14/9, các nhà phân tích đã chỉ ra khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.
"Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đang đề cập đến một cú sốc nhu cầu khác, tương tự như cuộc chiến vừa qua của chúng ta trong đại dịch COVID-19", ông Ed Morse - Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Citi, cho hay.
Trong cuộc thảo luận tại APPEC, ông Morse cảnh báo các nước sản xuất dầu mỏ có thể đối mặt với một trở ngại lớn.
"Chúng tôi nhận thấy các nước này đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ nhưng không thể chi trả cho các dịch vụ dân sự, chăm sóc sức khỏe, an ninh, giáo dục,... Chúng tôi lo ngại nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm đáng kể và lượng hàng tồn kho tăng lên", ông Morse lập luận.
"Tôi nghĩ mối lo lớn nhất bây giờ là chuyện gì sẽ xảy ra với các nước sản xuất dầu mỏ khi mà họ không có khả năng chống chịu cú sốc mới", vị giám đốc cấp cao của Citi tiếp tục.
Đầu năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, giá hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 rơi xuống mức âm do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa và thiếu kho dự trữ do lượng tồn kho dầu tăng nhanh.
Ông Martin Fraenkel - Chủ tịch S&P Global Platts, dự đoán: "Tôi nghĩ vấn đề của thị trường dầu mỏ thế giới vẫn sẽ xoay quanh nhu cầu. Mức sụt giảm nhu cầu trong năm nay thực sự rất nghiêm trọng".
Trước đó, ông Fraenkel dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm 8 triệu thùng/ngày.
"8 triệu thùng/ngày là một mức sụt giảm lớn so với cùng kì năm ngoái. Hiện tại, mùa du lịch tại Mỹ đã kết thúc nên người dân ít di chuyển hơn, do đó chúng tôi dự đoán nhu cầu sẽ giảm bớt một chút. Ngoài ra, số ca nhiễm COVID-19 mới đang tăng lên ở nhiều khu vực trên thế giới, đây thực sự là một mối lo lớn", ông Fraenkel nhấn mạnh.
"Vào cuối năm 2021, nhu cầu dầu vẫn sẽ thấp hơn so với cùng kì năm 2019", CNBC dẫn lời Chủ tịch S&P Global Platts cho hay.
Ông Fraenkel cũng lưu ý rằng liên minh dầu mỏ OPEC+ nên "điều chỉnh phù hợp" nếu nhu cầu không phục hồi trở lại. Vào tháng 7 năm nay, OPEC+ đã công bố mức giảm nguồn cung kỉ lục là 10 triệu thùng/ngày, nhưng liên minh này đã nhất trí hạ mức giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8.
"Nếu nhu cầu không tăng trở lại, OPEC+ có thể đồng lòng kiểm soát nguồn cung trong bao lâu khi giá dao động quanh mức 40 USD/thùng? Dù chúng tôi cho là giá dầu có thể tăng khiêm tốn trong năm 2021, liệu nhu cầu có bật tăng trở lại? Tôi thực sự chưa chắc về khả năng đó", ông Fraenkel nhận định.
"Trong bối cảnh này, mối gắn kết giữa các thành viên OPEC+ có thể trở nên căng thẳng. Vì như chúng ta biết, có một số quốc gia chẳng hạn như Nga phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu và doanh thu từ dầu mỏ, cho nên nếu OPEC+ phải kiềm chế nguồn cung lâu hơn, các nước này lại càng chịu nhiều áp lực hơn", Chủ tịch S&P Global Platts lí giải.
Các nhà phân tích tại hội nghị APPEC cho biết nhu cầu đối với dầu diesel đang phục hồi nhanh hơn.
Ông Chris Midgley - trưởng bộ phận phân tích của S&P Global Platts, giải thích: Khi hoạt động vận chuyển hàng hóa của các đơn vị kinh doanh trực tuyến trở nên sôi động trong đại dịch, nhu cầu dầu diesel lại phục hồi.
"Dầu diesel phản ứng nhanh hơn nhờ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và thực phẩm bằng xe tải, xe container trên khắp đất nước", ông Felipe Bayon - CEO tập đoàn dầu khí Ecopetrol của Comlumbia, cho hay.
"Tôi nghĩ câu hỏi đáng quan tâm bây giờ là khi nào nhu cầu nhiên liệu máy bay phục hồi. Theo tôi, chúng ta sẽ phải chờ lâu hơn", ông Bayon nói tiếp.
Đau đầu khi đầu tư vào ngành dầu mỏ
CEO Ahmed Ali Attiga của Tập đoàn Đầu tư Dầu khí Arab cho biết hoạt động đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sẽ chịu "ảnh hưởng lớn".
Ông Attiga cho hay, đến nay các nhà đầu tư đã cắt giảm khoảng 80 tỉ USD chi tiêu vốn trong năm 2020, giảm hơn 30% ngân sách đầu tư cho lĩnh vực dầu mỏ so với cùng kì năm ngoái.
"Tôi nhận thấy, đầu tư vào ngành dầu mỏ sẽ là một vấn đề đau đầu trong thời gian tới", ông Attiga lưu ý.
"Từ góc độ đầu tư, ngành năng lượng nói chung đang phải đối mặt với hai vấn đề then chốt. Một là lợi tức cổ đông tương đối thấp, và hai là tỉ suất lợi nhuận bị siết chặt trong chuỗi giá trị", ông Attiga lí giải. "Hiện tượng này đặt ra những thách thức lớn đối với nguồn tài chính cho ngành dầu mỏ, đặc biệt là trong thời kì khủng hoảng nghiêm trọng".