Thị trường dầu chuẩn bị đón 2 tỷ USD từ các quỹ
Những thùng dầu được nhìn thấy bên ngoài kho ở Cuevas del Becerro, tỉnh Malaga, phía Nam Tây Ban Nha. Nguồn: Reuters |
Sự chuyển đổi kỳ hạn các hợp đồng tương lai có thể báo trước sự kết thúc cho tình trạng dư cung dầu thế giới trong suốt cuộc chiến giá 2 năm qua.
Theo Reuters, thứ 6 vừa qua, lần đầu tiên sau 6 năm, một quy định của một trong những chỉ số hàng hóa phổ biến nhất - S&P GSCI Enhanced Commodity Index đã yêu cầu các quỹ đầu tư theo chỉ số này bán các hợp đồng dầu Brent tương lai giao tháng 12 và mua những hợp đồng giao tháng 6.
Mục đích của điều luật này là để đảm bảo nhà đầu tư ở vị thế sẵn sàng để thu tiền về khi thị trường dầu biến động, trong tình huống này nguồn cung trở nên thu hẹp khiến giá dầu giao ngay cao hơn giá dầu giao trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới. Cách làm này được gọi là phí bù hoãn bán.
Ngược lại, khi các thị trường dư cung, giá dầu giao ngay sẽ rẻ hơn giá dầu giao trong tương lai.
Theo Reuters, cuối ngày 24/2, S&P đã xác nhận rằng quy định này đã được áp dụng cho những hợp đồng dầu thô Brent. Theo đó, các quỹ đầu tư chỉ số sẽ phải chuyển kỳ hạn nếu giá ở thời điểm tháng thứ hai và thứ ba của các hợp đồng giao tương lai có mức chênh lệch ít hơn 0,5% trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày cuối cùng bất kỳ tháng giao dịch nào.
Hôm thứ 6, giá dầu Brent giao tháng 5 đứng ở 56,31 USD/thùng, trong khi giá dầu giao tháng 6 ở 56,55 USD/thùng. Mức chênh lệch là khoảng 0,4%.
Nhà đầu tư cần phải bắt đầu thay đổi hợp đồng kỳ hạn vào ngày 1/3 và hoàn thành trong 5 ngày làm việc, chuyển 20% số tiền của họ mỗi ngày. Theo Reuster, ước tính điều luật này sẽ ảnh hưởng 35.000 – 45.000 hợp đồng dầu Brent.
Mỗi một hợp đồng giao dịch 1000 thùng dầu, vì vậy nếu những dự đoán này là đúng thì khoảng 40 triệu thùng dầu, trị giá khoảng 2 tỷ USD, sẽ được giao dịch.
Ảnh hưởng của OPEC
Khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và một số nhà xuất khẩu không nằm trong OPEC đồng ý giảm sản lượng dầu vào tháng 11/2016, nhằm tiết chế tình trạng giá dầu kỳ hạn cao hơn giá giao ngay do nguồn cung dư thừa, khiến cho các nhà đầu tư mua dầu thô muốn tích trữ và bán trong tương lai. Điều này khiến tồn kho dầu thế giới lên cao kỷ lục và giữ giá thấp trong nhiều năm.
Tuy nhiên, việc OPEC giảm sản lượng sản xuất đã thắt chặt nguồn cung và thu hẹp chênh lệch giữa giá kỳ hạn và giá giao ngay, kích thích các thương nhân từ Mỹ đến Châu Á bắt đầu bán dầu trong kho vì việc tích trữ không mang lại lợi nhuận như họ mong đợi.
Nếu việc giá dầu kỳ hạn cao hơn giá giao ngay tiếp tục thu hẹp, 10 triệu thùng dầu sẽ được xuất kho. Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực về giá trong thời gian ngắn, các chuyên gia phân tích đánh giá đây là bước đi đầu tiên giúp tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu sau một thời gian dài dư thừa nguồn cung.
Ông Michael Tran, giám đốc chính sách năng lượng ở RBC Capital Markets, cho biết “dòng vốn chảy nhanh vào hợp đồng tương lai sẽ khiến việc tích trữ dầu trở nên phi kinh tế với các nhà giao dịch, và kết quả không chủ định này sẽ giúp OPEC kéo dầu ra khỏi các kho chứa.”