|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường đang dự báo nhiều đợt giảm lãi suất hơn dự tính của Fed?

13:07 | 10/10/2019
Chia sẻ
Một số nhà hoạch định chính sách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ lo ngại tại cuộc họp chính sách gần đây nhất rằng thị trường có vẻ đang kì vọng sẽ có nhiều đợt hạ lãi suất hơn dự tính của Fed, CNBC đưa tin.

Tại cuộc họp tháng 9/2019, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhất trí hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống phạm vi mục tiêu 1,75-2%.

Thế nhưng, những tài liệu được công bố sau cuộc họp cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên về lộ trình chính sách trong tương lai.

Biên bản họp này càng làm gia tăng mối quan ngại trên, cùng với một số nỗi lo khác rằng thị trường có vẻ như đang kì vọng hơi qua về quá trình nới lỏng chính sách. 

Trong biên bản họp có đoạn "một vài thành viên" tại cuộc họp tháng 9/2019 cho biết giá trên thị trường hợp đồng tương lai "hiện đang ngụ ý sẽ có đợt nới lỏng tại các cuộc họp sắp tới mạnh hơn những gì Fed cho là hợp lí".

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường đang nuôi giấc mộng rằng Fed sẽ tiếp nối đợt hạ lãi suất tháng 7 và tháng 9 bằng một đợt hạ lãi suất vào tháng 10/2019. Thị trường cũng dự báo sẽ có thêm đợt giảm lãi suất trong năm 2020.

Do khả năng thị trường hiểu lầm thông điệp của Fed, "việc FOMC tìm cách để làm phù hợp giữa kì vọng của thị trường liên quan đến lộ trình lãi suất với kì vọng của chính các nhà hoạch định chính sách của Fed", trích từ biên bản họp.

Tuyên bố Fed chưa đề cập đến điều gì?

Bên cạnh đó, biên bản họp của Fed lưu ý rằng "một vài" thành phần tham gia nghĩ Ủy ban nên đưa ra một vài chỉ dẫn về khoảng thời gian mà Fed nới lỏng chính sách vì lo ngại về hàng rào thuế quan trong tuyên bố sau cuộc họp. Tuy nhiên, tuyên bố cuối cùng không bao gồm ý định đó.

Biểu đồ "dot-plot" về kì vọng của các thành viên Fed cho thấy 5 thành viên ủng hộ không giảm lãi suất thêm trong năm nay sau 2 đợt giảm lãi suất gần đây, 5 thành viên ủng hộ nâng lãi suất và 7 thành viên muốn có thêm 1 đợt hạ lãi suất.

Xét về quyết định hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9/2019, có 3 thành viên phản đối, trong đó là Eric Rosengren (Chủ tịch Fed khu vực Boston) và Esther George (Chủ tịch Fed khu vực Kansas City) ủng hộ giữ nguyên lãi suất, trong khi James Bullard (Chủ tịch Fed khu vực St. Louis) muốn giảm 50 điểm cơ bản. 

Đây là cuộc họp có nhiều người phản đối quyết định nhất kể từ tháng 12/2014.

Lí giải về đợt hạ lãi suất, các quan chức Fed đề cập đến nỗi lo về tác động lan truyền từ đà giảm tốc toàn cầu đến Mỹ, sự leo thang căng thẳng Mỹ-Trung và lạm phát liên tục không đạt mục tiêu 2% của Fed.

Nỗi lo về thương mại

Biên bản họp cho thấy thương mại là nguồn cơn khiến Fed phiền muộn. Vấn đề này được đề cập tổng cộng 28 lần trong biên bản, trong đó các thành viên liên tục lo ngại về tác động của hàng rào thuế quan đến hoạt động kinh doanh.

Các thanh viên cho biết, mặc dù Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, nhưng những rủi ro tiềm ẩn vẫn nghiêng về hướng suy giảm.

Biên bản họp có đoạn: "Các yếu tố quan trọng trong đánh giá của Fed là căng thẳng thương mại quốc tế và diễn biến kinh tế ở nước ngoài dường như nghiêng theo chiều hướng có tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế Mỹ chứ không nghiêng về chiều thuận lợi hơn".

"Bên cạnh đó, đà suy yếu của hoạt động đầu tư doanh nghiệp và sản xuất tính tới thời điểm này của năm 2019 càng củng cố thêm cho khả năng nền kinh tế giảm tốc mạnh hơn những gì thành viên Fed dự báo. Rủi ro tác động đến dự báo lạm phát cũng được cho là nghiêng theo chiều hướng giảm, một phần là vì những rủi ro suy giảm đến hoạt động kinh tế".

Các quan chức cũng lưu ý "bức tranh suy yếu kéo dài trong hoạt động chi tiêu đầu tư, sản xuất và xuất khẩu dần hiện rõ" và các thành viên đang theo dõi hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược – một chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái.

Dù vậy, các thanh viên lưu ý rằng điều kiện hiện nay vẫn còn mạnh với lượng tiêu thụ và bức tranh tuyển dụng vẫn còn vững chắc. 

Những thành viên ủng hộ giữ nguyên lãi suất tỏ ra lo ngại về những rủi ro tác động đến sự ổn định tài chính mà lãi suất thấp gây ra. Các thành viên khác cũng phân trần việc hạ lãi suất tại thời điểm này sẽ khiến Fed không còn nhiều "đạn dược" khi kinh tế giảm tốc.

Bàn về thị trường repo

Các quan chức Fed cũng bàn luận về sự biến động gần đây trên thị trường cho vay qua đêm – kèm theo đó là sự tăng vọt của lãi suất ngắn hạn. Fed giải quyết vấn đề này bằng cách thực hiện động thái bơm thanh khoản tạm thời nhằm mục đích ổn định thị trường.

Các thành viên cho biết sẽ là phù hợp khi bàn luận về mức dự trữ hợp lí.

Trong một bài phát biểu ngày thứ Ba (9/10), Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể sẽ bắt đầu mua trái phiếu Chính phủ Mỹ như là một phần của động thái tăng số dư trên bảng cân đối kế toán và dự trữ. Các thành viên cũng đề xuất xem xét một cơ chế repo lâu dài để giải quyết vấn đề nguồn vốn.

Minh Tuấn