|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều quan chức Fed sẵn sàng cắt giảm thêm lãi suất

16:48 | 08/10/2019
Chia sẻ
Hai nhà hoạch định chính sách của Fed báo hiệu rằng họ sẵn sàng giảm thêm lãi suất sau khi một báo cáo cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đang chậm lại. Nhưng nhân vật số 2 của Fed, trong bài phát biểu của mình, chỉ tiết lộ rất ít về quan điểm riêng.

“Fed sẽ hành động phù hợp để duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng như sự tăng trưởng vững chắc và ổn định của lạm phát”, Phó chủ tịch Fed Richard Clarida phát biểu tại New York, nhắc lại cụm từ mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đã sử dụng trước các cuộc họp khi Fed cắt giảm lãi suất, thậm chí là trước cuộc họp tháng 6 khi Fed không cắt giảm lãi suất.

Người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ đang ở trong “trạng thái tốt”, và thị trường lao động Mỹ “rất khỏe mạnh”, Clarida nói. 

Tuy nhiên các rủi ro bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm lại, sự không chắc chắn về thương mại và lạm phát thấp liên tục trên toàn cầu, tất cả đều ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ. “Chúng tôi có 8 cuộc họp mỗi năm, chúng tôi tổ chức mỗi cuộc họp vào một thời điểm. Chúng tôi không có lộ trình định sẵn”, ông nói.

Nhiều quan chức Fed sẵn sàng cắt giảm thêm lãi suất - Ảnh 1.

Fed được dự báo có thể cắt giảm thêm lãi suất 2 lần nữa trong năm nay

Các bình luận của Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida được đưa ra vào cuối ngày sau khi các nhà giao dịch nâng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay sau khi chỉ số hoạt động phi sản xuất của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016. 

Trước đó, số liệu được công bố vào đầu tuần cũng cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ đã bị thu hẹp trong tháng 9 xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Các báo cáo có thể báo hiệu về một sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu, niềm tin kinh doanh và đầu tư kinh doanh đang lan rộng đến người tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế quy mô 20 nghìn tỷ USD của Mỹ. Điều đó đang khiến nhiều quan chức Fed lo ngại.

“Nếu chúng ta chờ đợi sự chậm lại trong tăng trưởng toàn cầu và sự yếu kém trong đầu tư sản xuất và kinh doanh tác động rõ nét hơn tới nền kinh tế... Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đã chờ đợi quá lâu”, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan nói với một nhóm ở ngoại ô Houston.

Hai lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay đã làm giảm khả năng suy thoái, Kaplan nói, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này. Vì lẽ đó, ông cho biết hoàn toàn “cởi mở” đối với vấn đề lãi suất  và “đang theo dõi rất cẩn thận” các bằng chứng về sự suy yếu kinh tế.

Cũng có chung quan điểm “cởi mở” đối với vấn đề lãi suất, Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans phát biểu tại Madrid trước khi báo cáo về lĩnh vực dịch vụ được công bố: “Chúng tôi sẽ bước vào cuộc họp tiếp theo, thảo luận về những gì phù hợp và tôi cực kỳ cởi mở và điều chỉnh nếu đó là chính sách phù hợp”.

Fed đã cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, cộng thêm rủi ro Brexit hỗn loạn cũng như sự suy yếu của kinh tế ở Đức và nhiều nền kinh tế lớn khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả 17 nhà hoạch định chính sách của Fed đều ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. Tại cuộc họp tháng 9, một số muốn giữ nguyên lãi suất như trước đó, trong khi một số lại muốn cắt giảm sâu hơn.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết họ đang tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cú đánh từ sự không chắc chắn thương mại và nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu không còn giới hạn trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất của Hoa Kỳ.

Hiện các nhà giao dịch tương lai đang đặt cược cơ hội 88% Fed sẽ cắt giảm tiếp lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 29 và 30 tháng 10 của Fed. Thậm chí các nhà giao dịch còn tăng tỷ lệ cược vào lần cắt giảm lãi suất thứ tư của Fed vào cuối năm, đưa phạm vi lãi suất mục tiêu xuống còn 1,25% đến 1,5%; tức đảo ngược toàn bộ tiến trình thắt chặt của Fed vào năm ngoái.

Báo cáo việc làm tháng 9 tại Mỹ càng củng cố thêm cho kỳ vọng này của thị trường. Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cuối tuần trước cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo thêm được 136.000 việc làm mới trong tháng 9, thấp hơn so với dự báo của giới chuyên môn là 145.000 việc làm mới. 

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục giảm từ mức 3,7% trong tháng 8 xuống còn 3,5% trong tháng 9, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua; thế nhưng tiền lương trung bình theo giờ lại không thay đổi trong tháng trước sau khi tăng 0,4% trong tháng 8, từ đó kéo giảm tốc độ tăng lượng hàng năm xuống còn 2,9% trong tháng 9 từ mức 3,2% trong tháng 8.

Đặc biệt, kinh tế Mỹ được dự báo chỉ tăng trưởng với tốc độ  trong khoảng 1,3% đến 1,9% trong quý ba năm nay, thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,0% của quý 2 và càng thấp hơn so với mức tăng 3,1% của quý đầu năm. 

Sự chậm lại của kinh tế Mỹ càng được củng cố bởi một báo cáo từ Bộ Thương mại vào thứ Sáu cho thấy thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đã mở rộng 1,6% lên 54,9 tỷ USD trong tháng Tám.

Bởi vậy, Michael Feroli - một nhà kinh tế của JPMorgan ở New York vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mục tiêu vào cuối tháng này. “Chúng tôi tin rằng sẽ cần một con số mạnh mẽ hơn nhiều để thuyết phục lãnh đạo Fed rằng họ đã hành động đủ để chống lại những rủi ro suy giảm”.

Mai Ngọc