|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Trump chỉ trích Fed sau khi chỉ số PMI Mỹ giảm xuống mức thấp nhất một thập kỉ

11:12 | 02/10/2019
Chia sẻ
Hôm 1/10, Tổng thống Trump lại một lần nữa tấn công Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi một dữ liệu sản xuất của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỉ.
106155489-1569843282701rtx74xlk

Tổng thống Trump phát biểu tại một sự kiện ngày 27/9/2019. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, chỉ số PMI của Viện Quản lí Nguồn cung (ISM) trong tháng 9 đạt 47,8%, thấp nhất kể từ tháng 6/2009.

Chỉ số PMI bằng 50 cho thấy hoạt động sản xuất tháng này tương đương tháng trước, lớn hơn 50 cho thấy có sự mở rộng và nhỏ hơn 50 chỉ ra hoạt động sản xuất đang co hẹp và suy yếu.

Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Mỹ viết Chủ tịch Fed Jerome Powell và ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ đã cho phép đồng USD tăng quá mạnh, đặc biệt là khi so sánh với tất cả đồng tiền tệ khác, do đó các nhà sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Trump lập luận Fed đã thiết lập lãi suất quá cao. "Fed là kẻ thù tồi tệ nhất của chính bản thân, họ chẳng biết gì cả. Thật thảm hại!" , ông Trump viết

Screenshot (126)

Nội dung dòng tweet của ông Trump. (Ảnh chụp màn hình)

Khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tiếp diễn, Tổng thống Trump đã nhiều lần đổ lỗi cho chính sách lãi suất của Fed do lo ngại về một nền kinh tế Mỹ đang chững lại.

Ông cho rằng NHTW Mỹ không hành động nhanh chóng để nới lỏng chính sách tiền tệ, mặc dù Fed đã giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Fed hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC.

Dữ liệu kinh tế nghèo nàn đã góp phần đẩy các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ trượt dài vào ngày 1/10.

Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính đã tăng hơn 3% trong năm nay và "ngồi" chễm chệ gần mức cao nhất kể từ giữa năm 2017.

Đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền lớn khác thường làm suy yếu hoạt động xuất khẩu và tăng nhập khẩu, do đó gây tổn hại cho nhà sản xuất Mỹ vì điều này khiến hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn so với hàng ngoại.

Theo ISM, mặc dù tỷ giá hối đoái có thể đã góp phần kéo hoạt động sản xuất đi xuống vào tháng 9, hoạt động thương mại cũng tương tự.

"Thương mại toàn cầu tiếp tục là vấn đề quan trọng bậc nhất, như được thể hiện qua sự sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu mới từ tháng 7/2019.

Nhìn chung, trong tháng này doanh nghiệp vẫn giữ thái độ thận trọng về tăng trưởng trong ngắn hạn", ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh và Sản xuất ISM, cho hay vào buổi công bố dữ liệu.

Tổng thống Trump đã nhiều lần loại bỏ mối lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ. Ông cho rằng xung đột thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không gây hại cho doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng Mỹ, mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy nó đã bắt đầu ảnh hưởng đến một số công ty và khiến người Mỹ lo lắng.

Yên Khê