Thị trường có trị giá 50 tỉ USD và tôi chỉ cần chiếm 1% thị phần: Kiểu thuyết trình của những lý thuyết gia làm kinh doanh
Là người hiểu rõ quyền lực của thất bại, Daymond John, một trong những nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Mỹ - từng cảnh báo những người đăng ký chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến của ông – mang tên "Daymond on Demand" - như sau: Các bạn vẫn có thể thất bại dù học những bí quyết của tôi một cách cẩn thận.
Giải thích với Entrepreneur về cảnh báo lạ lùng này, Daymond nói: "Nhiều người học chương trình rồi sau đó lại hỏi tôi: Ông dạy sai hay sao hả Daymond? Vì sao tôi thất bại?".
Tỉ phú Daymond John, ông chủ tập đoàn thời trang FUBU. Ảnh: CNBC
Chương trình "Daymond on Demand" bao gồm những video tương tác do John và một nhóm chuyên gia thực hiện. Họ nói về mọi lĩnh vực kinh doanh - từ chiến lược phát triển tới lập kế hoạch kinh doanh, pháp lý.
"Một trong những lý do để tôi thực hiện chương trình là khi bạn bắt đầu thành công, bạn phải tiếp xúc với nhiều cấp độ người khác nhau tới khi bạn tìm ra những người mà bạn thực sự cần. Đó có thể là một kế toán giỏi, hay một luật sư có tâm. Tôi phải chờ tới 10 năm sau khi thành công để tìm ra người phù hợp. Vì thế, tôi tập hợp họ thành một nhóm để học hỏi", Daymond phát biểu.
Học phí của chương trình là 1.595 USD. Người nộp học phí sẽ có quyền xem lại chương trình trọn đời.
Đầu tư vào bộ não
Một trong những sai lầm mà Daymond thấy nhiều doanh nhân mắc là không chú trọng đầu tư cho kiến thức. Theo ông, doanh nhân có thể lãng phí rất nhiều tiền nếu họ không thể tăng mức độ hiểu biết. Chẳng hạn, đôi khi họ sẽ nhận ra một nhãn hiệu có giá trị hơn bằng sáng chế.
"Tôi có hơn 100 bằng sáng chế và tổng giá trị của chúng lên tới 1 triệu USD, song tôi không thể bảo vệ bằng sáng chế của tôi trước các đối thủ trên thị trường. Trong khi đó, chẳng ai có thể sử dụng tên nhãn hiệu FUBU của tôi, và cái tên đó chỉ khiến tôi tiêu tốn 2.500 USD. Một ví dụ khác là: Một số doanh nghiệp thuê nhân sự toàn thời gian để đảm nhận một vị trí với chi phí lương 50.000 USD mỗi năm, trong khi họ có thể thuê người ngoài hoàn thành công việc tương tự với chi phí chỉ 2.000 USD mỗi quý", ông nêu ví dụ.
Đừng kinh doanh dựa trên giả thuyết
Vị tỉ phú 50 tuổi thổ lộ ông không đánh giá cao những người nói những câu như "Đây là thị trường có quy mô 50 tỉ USD và tôi chỉ cần chiếm 1% thị phần" vì họ đang điều hành một doanh nghiệp dựa trên giả thuyết.
Tỉ phú Daymond John (ngoài cùng bên trái) cùng các "cá mập" tham gia Shark Tank Mỹ. Ảnh: parade.com
"Ngoài ra, tôi cũng không thích những người nghĩ rằng nếu họ gặp một shark và nhận vốn đầu tư, vấn đề của họ sẽ biến mất. Khi gặp vấn đề, doanh nhân phải nỗ lực gấp 10 lần trước khi tìm vốn đầu tư của người khác. Bạn không nên ngồi đó hoặc thuê những người giỏi để giải quyết vấn đề cho bạn. Thuê thêm nhân sự đồng nghĩa với việc bạn phải tăng doanh thu và lợi nhuận để có thể trả lương cho họ", ông giải thích.
Người cần nhiều tiền luôn có yếu điểm lớn
Ông chủ tập đoàn thời trang FUBU từng viết trong cuốn sách "The Power of Broke" rằng tiền thường chỉ làm nổi bật những điểm yếu của doanh nhân.
"Nếu bạn có một sản phẩm không xuất sắc và bạn đầu tư đống tiền để bán nó, sản phẩm sẽ chẳng trở nên tốt hơn. Thậm chí khi bạn thuê người để bán hàng, những người đó sẽ nói: Chúng tôi không thể bán sản phẩm này", Daymond nói.
Thất bại một cách khôn ngoan
Phần lớn doanh nhân làm việc quá vội vàng, theo quan điểm của Daymon. Chẳng hạn, họ thành lập một công ty và không đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bằng sáng chế cũng như hoàn thiện các vấn đề pháp lý. Một thời gian sau, công ty giải thể. Họ thành lập công ty thứ hai và lần này họ hoàn thiện những khiếm khuyết của lần thất bại trước, nhưng họ lại thiếu cơ sở sản xuất và công ty lại sụp đổ. Với công ty thứ ba, họ có cơ sở sản xuất nhưng lại thiếu hệ thống phân phối.
"Chính tôi từng trải qua những việc như thế. Tới lần khởi nghiệp thứ 10, họ mới khắc phục mọi sai lầm và doanh nghiệp của họ có thể trở thành những thế lực lớn. Họ thất bại, rút ra bài học rồi cuối cùng sở hữu mọi điều kiện để phát triển bền vững. Điều quan trọng là họ không dừng lại sau thất bại nên họ đã thất bại một cách thông minh", ông lập luận.