|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán: Đèn xanh đợi đến bao giờ?

01:00 | 30/06/2022
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi: liệu thị trường chứng khoán của Việt Nam đã bắt đáy hay chưa? Khi nào là thời điểm thuận lợi để đón bắt cơ hội?…

 Quang cảnh toạ đàm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN).

Tại buổi tọa đàm "Đầu tư tài chính 2022 – Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức chiều ngày 29/6 tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi: liệu thị trường chứng khoán của Việt Nam đã bắt đáy hay chưa? Khi nào là thời điểm thuận lợi để đón bắt cơ hội?…

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, có khả năng VN- Index sẽ quay ngược dòng và chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Do đó, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi. 

"Đây là lúc nên chọn "ngủ yên" hơn "ăn ngon" với những chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ và phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro cao. Đi tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính ổn định.

Cuối cùng là nhà đầu tư phải có điểm cắt lỗ và chốt lời và thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo một chiến lược đã xây dựng", TS.Nguyễn Trí Hiếu phân tích và cũng đưa ra một số đề xuất cho Ngân hàng Nhà nước - cơ quan đang chịu nhiều áp lực của việc kiểm soát lạm phát nhưng không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. 

Theo đó, chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4%. Tỷ lệ lạm phát dự báo cho quý II năm nay là 3,1%.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4% cho cả năm trong khi giá dầu, giá sinh hoạt tăng mỗi ngày. Bên cạnh đó giá hàng hoá trên thế giới tăng mạnh nên với đà tăng nhập khẩu của Việt Nam, lạm phát nhập khẩu là điều đương nhiên. Việc duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4% là một thách thức rất lớn.

Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế - vốn đang trong giai đoạn hồi phục, chuyên gia này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không siết chặt tín dụng và kìm chế lãi suất vay không cho tăng mạnh. Hiện nay các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh tín dụng và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông.

Nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng và hiện đang xin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng. Tất cả những điều này là hiển nhiên trong bối cảnh nền kinh tế cần được tiếp sức để tiếp tục quá trình phục hồi. 

Nhưng những điều này đang đi ngược lại chủ trương chống lạm phát với một dòng vốn tín dụng tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao. Chưa kể tới, vấn đề tỷ giá cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tỷ giá đồng USD/VND chính thức đã tăng khoảng 1,6% so với thời điểm đầu năm. Nhất là khi tháng 6 - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất và đẩy giá trị của đồng bảng xanh lên. Tỷ giá của tiền đồng tăng có lợi cho xuất khẩu mà xuất khẩu là một trong những cột trụ quan trọng nhất của nền kinh tế. Tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá nhập khẩu và cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát từ các nước xuất khẩu hàng sang Việt Nam.

Từ những phân tích trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, giữ mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn 2019-2021-2022, thị trường chứng khoán có bước phát triển, tuy rằng khả năng trồi sụt cao, đặc biệt là trong năm 2022. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là vấn đề lòng tin và cơ sở pháp lý.

Theo đó, các văn bản hiện hữu như Luật Chứng khoán hay các nghị định liên quan tới phát hành trái phiếu… cần phải chặt chẽ hơn. Nhà nước cần có sự điều hành một cách thống nhất để định hướng thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chủ trương điều hành trên nền tảng số.

Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính tích cực hoàn thiện quy trình và pháp lý quản lý thị trường chứng khoán, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra các hoạt động trên thị trường. Hy vọng, những điều này sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Trong số những chuyên gia và nhà đầu tư tham gia tọa đàm, TS. Lê Công Hội, tới từ Australia chia sẻ, đầu tư chứng khoán phái sinh là sản phẩm mới mà nhà đầu tư nên tham gia bởi cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận ở những sản phẩm mới tốt hơn. Cùng với đó, khi thị trường tăng hay giảm đều có cơ hội kiếm lợi nhuận khi giao dịch hai chiều, điều quan trọng là nhận định được xu hướng thị trường.

Thị trường phái sinh cũng không giới hạn giờ giao dịch, giao dịch được nhiều lần trong phiên, không hạn chế thanh khoản và hạn chế giao dịch. "Khi mở phái sinh chúng ta có thể mở đóng trong ngày, tài sản không gặp rủi ro khi thị trường tăng hay giảm vào hôm sau. Thị trường phái sinh bám theo VN30. Do đó nên mở rộng bộ chỉ số VN30 thành bộ chỉ số VN50", ông Lê Công Hội đề xuất. 

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (Agriseco Research) cho rằng, định giá của nhóm cổ phiếu trong VN30 đang ở vùng hợp lý và đã xuất hiện một số cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn.

Nhiều ý kiến đánh giá, mặt bằng định giá cổ phiếu hiện đã trở nên hấp dẫn khi quan sát lịch sử của VN-Index. Mặc dù vậy, mức độ đắt – rẻ của thị trường sẽ bị ảnh hưởng trong những môi trường lãi suất khác nhau.

Với xu hướng lãi suất được dự báo tăng lên trong thời gian tới, Agriseco Research đánh giá cụ thể về mức độ đắt, rẻ của các cổ phiếu nhóm VN30 và VN Midcap với góc độ tiếp cận khác như so sánh mức độ tương quan giữa giá trị cổ phiếu và giá trị sổ sách của doanh nghiệp..

Ngọc Quỳnh