|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bàn luận mặt được và mất khi rút ngắn chu kỳ thanh toán, bước đệm hướng đến giao dịch trong ngày (T+0)

11:43 | 29/06/2022
Chia sẻ
Thông tin Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) dự thảo quy chế giao dịch mới thu hút được sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư. Trên các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán, số đông tỏ ra hào hứng khi sớm được mua bán cổ phiếu hơn trước, số khác cho rằng điều chỉnh không như kỳ vọng giao dịch T+0 đưa ra trước đó.

Theo dự thảo quy chế được VSD phát đi, thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán sẽ được đẩy từ 15h30 – 16h00 lên 11h30 – 12h00 của ngày giao dịch T+2. Đồng nghĩa rằng nhà đầu tư có thể giao dịch ngay trong buổi chiều của ngày T+2 khi cổ phiếu về tài khoản.

Hiện giao dịch cổ phiếu thực hiện vào ngày T+3 khi cổ phiếu về tài khoản sau khi kết thúc phiên giao dịch của ngày T+2.

Tương tự như cổ phiếu, tiền cũng về tài khoản của nhà đầu tư sớm hơn. Nếu không sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán từ công ty chứng khoán, giao dịch mua có thể thực hiện mua vào chiều ngày T+2.

Việc rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán và tiền theo quy chế mới là một bước tiến của thị trường chứng khoán Việt Nam, dù rằng chưa thể tiến ngay đến giao dịch trong ngày (T+0) như nhà đầu tư kỳ vọng. Lần gần đây nhất thị trường điều chỉnh từ T+3 xuống T+2 từ ngày 1/1/2016.

Nói về giao dịch T+0, chủ đề này không mới nhưng thường xuyên thu hút sự quan tâm của cộng đồng đầu tư và báo giới trong mỗi cuộc họp với cơ quan quản lý thị trường nhiều năm trở lại đây.

Câu hỏi thường trực là khi nào thị trường có thể triển khai giao dịch trong ngày (T+0), bởi lẽ đây cũng là một tiêu chí đánh giá trong lộ trình nâng hạng từ nhóm cận biên lên mới nổi của chứng khoán Việt Nam.

Trở lại với thông tin về đợt điều chỉnh quy chế giao dịch lần này, việc rút ngắn thời gian hạch toán chứng khoán và tiền kỳ vọng tác động tích cực lên thanh khoản của thị trường. Rõ ràng rằng với thời gian chờ đợi ít hơn, số vòng quay giao dịch của những nhà đầu tư sẽ nhiều lên.

 Nguồn: Lợi Hoàng.

Nếu nhìn vào bảng so sánh thực hiện giao dịch theo quy chế mới và cũ, có thể thấy rằng trong cùng khoảng thời gian 7 phiên giao dịch, nhà đầu tư có thể mua bán ba vòng cổ phiếu (SSI, DIG, CEO). Trong khi với quy chế cũ, số vòng giao dịch là hai mã (SSI, DIG).

Kỳ vọng cải thiện về thanh khoản dựa trên việc tăng số vòng quay tiền và chứng khoán là cơ hội để các công ty chứng khoán gia tăng nguồn thu từ phí giao dịch và tiền cho vay, ứng trước. Trong phiên giao dịch sáng nay (29/6), cổ phiếu nhóm chứng khoán giao dịch khởi sắc trước thông tin dự thảo trên.

Chia sẻ của một nhà đầu tư chứng khoán trên diễn đàn, việc hạch toán sớm cổ phiếu về tài khoản giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội để xử lý mỗi khi thị trường biến động mạnh, nhằm giảm thiểu mức thua lỗ trong tình huống xấu.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập Sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT. Ảnh: FIDT.

Tuy vậy, cần phải nói mọi vấn đề đều có hai mặt được và mất. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đã có những phân tích rõ hơn về hai mặt ưu và nhược của quy chế giao dịch mới này.

Về mặt lợi, tần suất giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tăng lên, tỷ lệ với chu kỳ thanh toán. Điều này đã được chứng minh khi thị trường chứng khoán Việt Nam rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 về T+3. Song, điểm lo ngại là sự đồng bộ về hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán thành viên vì năng lực của mỗi công ty là khác nhau. Những đơn vị đã chuẩn bị trước sẽ được lợi từ sự thay đổi.

Mặt khác, việc rút ngắn chu kỳ lần này là bước đệm để tiến tới giao dịch trong ngày (T+0) vào năm sau khi CCP (mô hình đối tác thanh toán bù trừ trung tâm) đưa vào hoạt động.

Song, như nêu trên, việc rút ngắn chu kỳ cũng tiềm ẩn rủi ro với các nhà đầu tư. Tần suất giao dịch tăng dẫn đến chi phí đầu tư tăng lên, hệ quả giá vốn đầu tư cao hơn. Những nhà đầu tư giao dịch nhiều sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Tuy nhiên khả năng các công ty chứng khoán đưa ra những hỗ trợ. Thêm vào đó, việc giao dịch nhiều đưa đến nguy cơ sai nhiều.

Bàn luận xa hơn đến câu chuyện giao dịch T+0, ông Tuấn cho rằng về mặt công nghệ là khả thi, vấn đề ở chỗ hoàn tất CCP và đồng bộ hóa hệ thống với các công ty chứng khoán thành viên. Việt Nam được đánh giá mạnh công nghệ và Thái Lan đã triển khai cả chục năm trước.

Một điểm đáng quan tâm đó chính là nền tảng của nhà đầu tư khi liên tục phải thích ứng với quy chế giao dịch mới, tiến tới giao dịch trong ngày. Vấn đề này đưa ra bởi thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua giai đoạn tăng trưởng khá nóng, thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới. Phải thừa nhận rằng không ít trong số đó còn yếu cả về kiến thức tài chính, phân tích kỹ thuật, thậm chí là tâm lý giao dịch.

Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng kiến thức và sự chuẩn bị trước sự thay đổi là tất yếu, sẽ có sự thích nghi theo thời gian và đánh giá lại hiệu quả. Thường những nhà đầu tư thiên về giao dịch ngắn hạn (trading) cần nhiều hơn việc rút ngắn chu kỳ. Còn với những nhà đầu tư trung và dài hạn, nâng cấp chu kỳ thanh toán không có ảnh hưởng nhiều tới họ.

Đó là đánh giá với những nhà đầu tư cá nhân. Góc nhìn từ các tổ chức, các quỹ chỉ số (ETF) dự báo hút được nhiều vốn hơn do chu kỳ thanh toán rút ngắn.

Lợi Hoàng