|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 26/11: Áp lực bán phiên ATC, VN-Index lui về gần tham chiếu

10:32 | 26/11/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 26/11 diễn biến khởi sắc với sự kì vọng Luật chứng khoán (sửa đổi) sẽ được thông qua, dù vậy áp lực bán trong phiên ATC khiến đà tăng thu hẹp đáng kể.

Kết phiên, VN-Index tăng 0,44 điểm (0,05%) lên 976,79 điểm; HNX-Index tăng 0,51% lên 103,99 điểm; UPCoM-Index giảm 0,14% xuống 55,97 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với khối lượng giao dịch 222,5 triệu đơn vị tương ứng giá trị 4.906 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 1.306 tỉ đồng.

Về cuối phiên, áp lực bán tiếp tục tăng lên trong phiên ATC khiến đà tăng thị trường bị thu hẹp trở lại, VN-Index cùng lui về gần mốc tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu SAB bất ngờ đảo chiều giảm 1,3% trong phiên ATC dù giao dịch tích cực trong cả phiên.

Mặc dù đà tăng bị thu hẹp, độ rộng thị trường vẫn tích cực với 355 mã tăng giá, 255 mã giảm giá và 175 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, nhóm VN30 ghi nhận 18 mã tăng giá so với 8 mã giảm, các cổ phiếu VHM, VRE, BID, HPG, VCB, TCB, CTG, PLX, VNM.

Sắc xanh được ghi nhận tại nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, bất động sản, dầu khí, thép, dệt may, công nghệ. Trong khi đó, các cổ phiếu đầu cơ TTB, TSC, PTL, CLG, PVL tiếp tục giảm sàn.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 4,84 điểm (0,48%) lên 980,93 điểm; HNX-Index tăng 0,42% lên 103,89 điểm; UPCoM-Index giảm 0,27% xuống 55,9 điểm.

Đà tăng của thị trường tiếp tục được mở rộng trong phiên giao dịch buối chiều, điều này một phần đến từ những kì vọng vào việc Luật chứng khoán (sửa đổi) sẽ được thông qua trong chiều nay.

Cụ thể, trong nội dung làm việc chiều nay (26/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Mới đây nhất, Luật Chứng khoán (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau vào sáng 22/10.

Đánh giá về việc thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), quĩ Pyn Elite Fund cho rằng đây là một sự kiện tích cực tạo tiền đề cho việc giải quyết các rào cản nâng hạng thị trường, cũng như các vấn đề về "room" ngoại và chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết (NVDR).

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 1,74 điểm (0,18%) lên 978,09 điểm; HNX-Index tăng 0,4% lên 103,87 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07% xuống 56,01 điểm.

Thị trường tiếp tục giao dịch cân bằng đến hết phiên sáng, đáng chú ý trong phiên sáng nay độ rộng thị trường tích cực hơn so với các phiên trước với 284 mã tăng giá, 237 mã giảm giá và 145 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức trung bình với 108,6 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng giá trị 2.133 tỉ đồng; trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 656,3 tỉ đồng.

Trong nhóm VN30, cổ phiếu HPG dẫn đầu đà tăng với mức tăng 2,2% lên 22.750 đồng/cp; hai cổ phiếu "họ Vingroup" cũng duy trì được sự tích cực.

Nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông bứt phá vào cuối phiên sáng với FPT, CMG, DGW, MFS, trong đó cổ phiếu MFS bật tăng 2,8% lên 22.300 đồng/cp. Nhóm hàng không cũng giao dịch khởi sắc với MAS, NCT, ACV, NCS, SCS, VJC, HVN.

Ngược lại, các mã phát triển khu công nghiệp HPI, SNZ, SZL, TIP, VRG, LHG, PHR, BCM, D2D tiếp tục chìm trong sắc đỏ.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 2,48 điểm (0,25%) lên 978,83 điểm; HNX-Index tăng 0,44% lên 103,92 điểm; UPCoM-Index giảm 0,18% 55,95 điểm.

Sau những phút hưng phấn đầu phiên, thị trường giao dịch cân bằng trở lại. Động lực tăng điểm vẫn đến phần từ các mã vốn hóa lớn VHM, SAB, BID, VNM, VRE, PLX, VCB, CTG, VJC.

Nhóm dệt may giao dịch khởi sắc với nhiều mã tăng giá như TCM, TNG, VGT, STK, MSH. Ngày 12/12 tới đây, May Sông Hồng sẽ chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức năm 2019 với tỉ lệ 45% bằng tiền mặt.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng bắt đầu có sự phân hóa khi các mã EIB, KLB, VBB, HDB giao dịch trong sắc đỏ và MBB, STB, TCB, LPB, NVB, TPB lùi về tham chiếu.

Tính đến 9h40, VN-Index tăng 3,6 điểm (0,38%) lên 980,2 điểm; HNX-Index tăng 0,56% lên 104,04 điểm; UPCoM-Index tăng 0,02% lên 56,06 điểm.

Sau hai phiên giảm mạnh, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục ngay từ đầu phiên hôm nay với tất cả chỉ số đều tăng điểm, động lực chính đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, BID, VCB, VNM, TCB, GAS, SAB.

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất trên HOSE, hai doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup đã mua vào gần 27,4 triệu cổ phiếu quĩ đến hết ngày 25/11, trong đó Vincom Retail mua vào gần 18,4 triệu cp và Vinhomes mua hơn 9 triệu cp. Trước đó có nhiều thông tin cho rằng hai công ty chưa thực hiện việc mua cổ phiếu quĩ.

Tín hiệu tích cực trên đã được phản ánh trong phiên sáng nay khi cổ phiếu VRE tăng 0,9% lên 34.100 đồng/cp, cũng với đó mã VHM cũng tăng 0,5% lên 93.700 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup hiện giảm 0,3%.

Nhóm ngân hàng tiếp tục giữ được sự tích cực từ phiên hôm qua với nhiều mã tăng giá như LPB, ACB, BID, TCB, VIB, STB, VCB, HDB, VPB, MBB CTG, góp phần thúc đẩy chỉ số tăng điểm.

Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các cổ phiếu dầu khí PVS, BSR, CNG, PLX, POW, PVB, PVD, GAS và bất động sản FCN, FLC, DXG, VRC, IDJ, L14, CEO, DPG, DIG, NTL, NDN, KDH  giúp thị trường thêm phần sôi động.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 25/11 đồng loạt đi lên mạnh mẽ giữa kì vọng mới về việc Mỹ và Trung Quốc có thể sớm đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,75% và 1,32% và đóng cửa ở các mức đỉnh mới. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 190,85 điểm (0,68%) lên đỉnh mới 28.066,47 điểm, đồng thời lấy lại mốc 28.000 để tuột mất trong tuần trước.

Sơn Tùng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.