Thị trường chứng khoán (25/8): 'Bank, chứng, thép' trở lại, VN-Index bật tăng hơn 11 điểm
Kết phiên, VN-Index tăng 10,81 điểm (0,83%) lên 1.309,55 điểm, HNX-Index tăng 4,22 điểm (1,27%) lên 336,01 điểm, UPCoM-Index tăng 0,44% lên 91,53 điểm.
Thị trường lấy lại tín hiệu tích cực hơn sau 14h với nhóm dẫn dắt vẫn bao gồm các cổ phiếu trọng số lớn trong rổ VN30. Đối trọng lại ở chiều giảm cổ phiếu VIC cũng thu hẹp điều chỉnh giúp giảm bớt áp lực cho thị trường.
Theo quan sát, cổ phiếu 'bank, chứng, thép' lấy lại phong độ từ đó lan rộng sắc xanh sang hầu hết các nhóm ngành. Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn là lực cản của thị trường với mức giảm gần 0,5 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 503 mã tăng, 319 mã giảm và 164 mã tham chiếu. Mặc dù thanh khoản có phần cải thiện trong phiên chiều, nhìn chung dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc. Cụ thể, khối lượng mua/bán khoảng 710 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch gần 20.900 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt gần 15.180 tỷ đồng, giảm 29% so với phiên trước đó.
Nhóm VN30 giao dịch khởi sắc là động lực tăng chính của thị trường. Kết phiên, cổ phiếu VN30 ghi nhận 25 mã tăng giá, 3 mã giảm giá và 2 mã đứng giá tham chiếu. Sự tăng giá của MSN, GVR, SAB tác động tích cực nhất đến đà tăng của chỉ số.
Tính đến 13h40, VN-Index tăng 0,64 điểm (0,05%) lên 1.299,38 điểm, VN30-Index tăng 0,07% lên 1.419,21 điểm.
Lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn giúp VN-Index hồi nhẹ quanh mốc tham chiếu. Dù vậy, thanh khoản suy yếu cho thấy dòng tiền vẫn đang lưỡng lự trước xu thế thị trường.
Tại rổ VN30, sắc xanh tạm chiếm ưu thế với 18 mã tăng, 10 mã giảm và 2 mã đứng giá tham chiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu POW tăng trần lên 11.250 đồng/cp trong trạng thái trắng bên bán. Đây cũng là một trong những trụ đỡ quan trọng của VN-Index tính tới hiện tại với mức đóng góp 0,4 điểm.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 4,36 điểm (0,34%) còn 1.294,38 điểm, HNX-Index tăng 0,05% lên 331,95 điểm, UPCoM-Index giảm 0,29% còn 90,87 điểm.
VN-Index đánh mất sắc xanh vào cuối phiên khi áp lực bán gia tăng. Thị trường giao dịch khá ảm đạm với lực bán chủ động đang chiếm ưu thế. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 478 mã giảm, 266 mã tăng và 141 mã đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu bất động sản lao dốc mạnh về cuối phiên và trở thành nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index. Cùng với đó, nhóm ngân hàng cũng đánh mất vị thế dẫn dắt và chuyển đỏ, từ đó gia tăng áp lực giảm điểm lên thị trường.
Trong bối cảnh kém sắc của thị trường chung, cổ phiếu nhóm than giao dịch hưng phấn nhờ giá than thế giới tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu nhóm này tăng trần như TDN, TC6, TVD, THT và NBC, ngoài ra còn có CST, HLC, MDC tăng trên 6%.
Thanh khoản thị trường phiên sáng nay giảm mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 375 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 10.454 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch trên HOSE đạt gần 8.300 tỷ đồng, giảm 38% so với phiên hôm qua.
Tính đến 10h30, VN-Index tăng 0,11 điểm (0,01%) lên 1.298,85 điểm, VN30-Index giảm 0,46 điểm (0,03%) còn 1.417,8 điểm.
Sau nhịp tăng hơn 5 điểm, VN-Index lui về gần tham chiếu do áp lực bán ra dâng cao. Thị trường hiện đang đi ngang quanh tham chiếu trong trạng thái dần hấp thụ hàng T3 về của phiên bắt đáy thanh khoản kỷ lục hôm trước.
Tính đến 9h40, VN-Index tăng 2,16 điểm (0,17%) lên 1.300,9 điểm, HNX-Index tăng 0,32% lên 332,85 điểm, UPCoM-Index giảm 0,04% còn 91,1 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy nỗ lực hồi phục sau phiên hôm qua. VN-Index mở cửa với sắc xanh nhưng đà tăng dần thu hẹp lại khi chỉ số đối mặt với ngưỡng cản tại 1.300 điểm.
Mặt khác, hôm nay là ngày lượng lớn hàng bắt đáy trong phiên thứ Sáu tuần trước về tài khoản nên xung lực tăng phần nào sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố này.
Xu hướng phân hóa đang phủ khắp các nhóm ngành với động lực dẫn dắt đến từ nhóm ngân hàng, hóa chất, nước & khí đốt. Trong khi đó, sắc đỏ của nhóm xây dựng, bất động sản tiếp tục kìm hãm thị trường.
Tính đến hiện tại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index gồm VCB, GVR, VPB, MSN và GAS. Trong khi đó VIC, MBB, CTG, DPM và HPX là lực cản lớn nhất của thị trường.
Trở lại với diễn biến quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 24/8 tăng nhẹ khi nhà đầu tư mua bắt đáy cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Tencent, Baidu, JD.com, ...
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích lên chưa đầy 0,1%, đóng cửa ở 35.366 điểm. S&P 500 thêm 0,15%, kết phiên ở đỉnh mới 4.486 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,5% lên 15.020 điểm, cũng là mức cao nhất trong lịch sử.
Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc dẫn đầu đà tăng ở Nasdaq khi nhà đầu tư đã hiểu rõ hơn về tương lai của các quy định quản lý của Trung Quốc và quyết định xuống tiền mua các mã lao dốc mạnh thời gian qua, đẩy giá hồi phục.