Dòng tiền thông minh 25/8: Tự doanh bán ròng trở lại phiên VN-Index chững lại đà giảm
VN-Index trải qua diễn biến giảm điểm giằng co trong phiên trước khi hồi phục, lấy lại một phần điểm số đã mất về cuối phiên. Những phản ứng tích cực tại vùng hỗ trợ quanh 1.290 cùng với sự tiết giảm của bên bán đã giúp chỉ số lấy lại trạng thái cân bằng hơn. Kết phiên, VN-Index giảm 0,12 điểm (0,01%) xuống 1.298,74 điểm.
Dòng tiền chảy vào thị trường khi có 9/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm bán lẻ và bảo hiểm. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm chứng khoán, bất động sản với sự tham gia mua ròng của nước ngoài, giảm ở nhóm ngân hàng, thép.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 23.287 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 29.652 tỷ đồng, giảm 7,1% so với phiên liền trước.
Trong phiên VN-Index chững lại đà giảm, khối tự doanh chuyển hướng bán ròng trong khi khối ngoại quay đầu mua ròng, chấm dứt chuỗi 10 phiên xả hàng trước đó.
Tự doanh chuyển vị thế bán ròng
Trong phiên vừa qua, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 129,8 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 138,8 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, khối tự doanh mua ròng 3/18 ngành. Trong đó, nhóm được mua ròng mạnh nhất là thực phẩm và đồ uống, Bán lẻ. Top10 cổ phiếu được tự doanh mua ròng phiên ngày hôm qua gồm VIC, SBT, HCM, VCI, VNM, MWG, DBC, CII, DGC, FUEVFVND.
Chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản chịu áp lực rút vốn lớn nhất từ khối tự doanh. Top cổ phiếu bị bán ròng gồm VPB, DXG, TCB, STB, E1VFVN30, BID, HPG, FPT, PNJ, MBB.
Tổ chức nội tiếp đà mua ròng
Giao dịch trái chiều với tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 372 tỷ đồng. Trong đó, họ gom ròng 435,6 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 3/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng và vật liệu. Top bán ròng có VHM, SSB, VGC, FUEVFVND, VIB, GEX, DCM, GVR, SAB, PC1.
Trong khi đó, tổ chức trong nước chủ yếu mua ròng nhóm ngân hàng. Top các mã được mua ròng có SSI, TCB, CTG, STB, MBB, HDB, VNM, DXG, ACB, VIC.
Cá nhân trong nước bán ròng chủ yếu đối ứng với nước ngoài
Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân, họ rút ròng 374,9 tỷ đồng, trong đó rút ròng khớp lệnh là 430,3 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 6/18 ngành, chủ yếu là ngành hàng & dịch vụ công nghiệp. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã GMD, MSN, HPG, VPB, VGC, SSB, DPM, BID, VRE, DIG.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ chủ yếu xả cổ phiếu dịch vụ tài chính và bất động sản. Top bán ròng có SSI, CTG, MBB, VNM, TCB, VHC, VIC, PHR, AGG.
Khối ngoại chuyển mua ròng trên HOSE lần đầu tiên trong 11 phiên
Về phía NĐT nước ngoài, họ mua ròng 30 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 133,6 tỷ đồng.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã SSI, VHM, VHC, MBB, VNM, SAB, LPB, BMI, PHR, NTL.
Trong đó, NĐT ngoại tiếp tục mua ròng SSI phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị mua ròng tăng mạnh lên 156 tỷ đồng, tuy nhiên tính chung cả tháng 8 thì họ vẫn bán ròng 902 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu VHM cũng được mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp, đưa tổng giá trị mua ròng từ đầu tháng 8 lên 1.026 tỷ đồng và trong cả năm lên 5.154 tỷ đồng. Đây là mã duy nhất trong ba cổ phiếu họ Vingroup được mua ròng.
Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại chủ yếu rút khỏi nhóm hàng & dịch vụ Công nghiệp. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: MSN, GMD, HPG, DPM, VRE, STB, VCI, VPB, VCB.
Theo quan sát, các mã bán ròng của nước ngoài chủ yếu là cổ phiếu bluechips và nằm trong giỏ chỉ số của các quỹ. Trong đó STB là cổ phiếu mà nước ngoài thay đổi vị thế liên tục trong 10 phiên gần đây trong khi VPB là cổ phiếu bị bán ròng liên tục từ giữa tháng 4 do khóa room ngoại nước ngoài buộc phải bán ra.