|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 12/5: VN-Index tăng gần 8 điểm, cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng trần

10:08 | 12/05/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 12/5 diễn biến giằng co với sự hỗ trợ từ nhóm ngân hàng, ngược lại cổ phiếu "họ Vingroup" và nhóm bán lẻ tạo áp lực giảm điểm lên chỉ số.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 7,52 điểm (0,91%) lên 835,95 điểm; HNX-Index tăng 0,25% lên 111,85 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02% xuống 53,48 điểm.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán 13.5

Sang phiên chiều, các cổ phiếu bluechips đồng loạt giao dịch bứt phá giúp VN-Index tăng gần 8 điểm, đáng chú ý cổ phiếu PNJ tăng kịch trần lên 63.800 đồng/cp, cổ phiếu VNM cũng bật tăng 5,1%.

Nhóm ngân hàng giao dịch sôi động với TPB tăng 6,7% lên 20.000 đồng/cp; nhiều mã bật tăng trên 2% như CTG, MBB, VCB, VIB, TCB.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 1,28 điểm (0,15%) xuống 827,05 điểm; HNX-Index giảm 0,23% xuống 111,31 điểm; UPCoM-Index tăng 0,06% lên 53,52 điểm.

Phiên giao dịch buổi sáng diễn biến giằng co sau khi thị trường đã trải qua 4 phiên bứt phá liên tiếp. VN-Index có thời điểm vượt mốc 830 điểm nhờ nhóm ngân hàng, dù vậy áp lực "họ Vingroup" và các cổ phiếu vốn hóa lớn lại khiến chỉ số này quay đầu giảm điểm.

Độ rộng thị trường phân hóa với 333 mã tăng giá, 282 mã giảm giá và 155 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, nhóm VN30 chứng kiến 19 mã giảm giá, điển hình là các cổ phiếu MWG, HPG, VRE, MSN, VJC, VHM.

Nhóm ngân hàng suy yếu về cuối phiên sáng khi CTG, BID, VPB, STB đảo chiều giảm điểm. Nhóm thép cũng chứng kiến giao dịch kém sắc tại các mã HPG, NKG, HSG, VGS.

Ở chiều ngược lại, nhóm dệt may giao dịch bùng nổ với hàng loạt cổ phiếu tăng trần như TNG, GMC, TCM; nhiều mã tăng mạnh như VGT, MSH, STK. Các nhóm chứng khoán, khu công nghiệp, thủy sản cũng ghi nhận giao dịch khởi sắc.

Thanh khoản thị trường trong phiên sáng tiếp tục ở mức cao với giá trị gần 3.700 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 344 tỉ đồng. Khối ngoại bán ròng 0,91 triệu cổ phiếu nhưng lại mua ròng gần 85 tỉ đồng tính theo giá trị, các mã được mua nhiều nhất gồm KDH, VPB, VNM, VCB.

Tính đến 10h50, VN-Index tăng 1,72 điểm (0,21%) lên 830,05 điểm; HNX-Index tăng 0,11% lên 111,69 điểm; UPCoM-Index tăng 0,04% lên 53,51 điểm.

Nhóm ngân hàng tiếp tục giao dịch khởi sắc giúp chỉ số tăng điểm, cổ phiếu VNM cũng bật tăng 1,3% lên 109.900 đồng sau khi công bố kế hoạch mua cổ phiếu quĩ. Theo đó, Vinamilk dự chi gần 1.900 tỉ đồng để mua lại 17,5 triệu cổ phiếu quĩ từ 21/5 đến 20/6.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MWG giảm 2% xuống 83.300 đồng/cp; cùng với các mã VIC, VJC, HPG, GAS, VHM tạo áp lực kìm hãm đà tăng của thị trường.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 3,94 điểm (0,48%) xuống 824,39 điểm; HNX-Index giảm 0,33% xuống 111,2 điểm; UPCoM-Index giảm 0,47% xuống 53,24 điểm.

Các chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên dưới tác động chủ yếu từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Họ Vingroup tác động nhiều nhất lên thị trường, khiến VN-Index mất 1,3 điểm; trong đó cổ phiếu VIC giảm 1,3% xuống 96.200 đồng/cp; hai mã VHM và VRE giảm lần lượt 0,5% và 1,2%.

Dù vậy, ngay sau đó dòng tiền tiếp tục gia nhập vào thị trường giúp các chỉ số tiếp tục bứt phá. Nhóm ngân hàng giao dịch phân hóa sau phiên bứt phá, hiện các cổ phiếu HDB, VCB, VIB, MBB, TCB giữ được sắc xanh, trong khi CTG, BID, ACB, VPB quay đầu giảm nhẹ cũng hồi phục về giá tham chiếu.

Nhóm dầu khí giao dịch khởi sắc sau khi giá dầu có xu hướng đảo chiều tăng trở lại. Cổ phiếu PXS tiếp tục tăng kịch trần, theo sau là PVD, BSR, PVT, PVS. Nhóm chứng khoán cũng sôi động với nhiều mã tăng trên 4%, đặc biệt cổ phiếu VCI tăng kịch trần lên 22.450 đồng/cp.

Đáng chú ý, nhóm dệt may, thủy sản giao dịch bùng nổ nhờ kì vọng xuất khẩu tăng trưởng trở lại sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Các cổ phiếu dệt may TNG, TCM, MSH tăng kịch trần, trong khi nhiều mã cũng bật tăng trên 5% như VGT, GMC, STK.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 11/5 chứng kiến chỉ số Dow Jones mất hơn 100 điểm khi nhà đầu tư vẫn lo COVID-19 sẽ lan rộng trở lại khi nền kinh tế dần mở cửa. 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 109 điểm, tương đương 0,45% xuống còn 24.222 điểm. Chỉ số S&P 500 trong phiên có lúc giảm 0,9% nhưng đóng cửa nhích nhẹ 0,02%.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 9.192 điểm và đánh dấu phiên đi lên thứ 6 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong năm 2020. 

Sơn Tùng