Thị trường cà phê: 'Con bò mộng' lẩn khuất đâu đây
Brazil được mùa, có đáng ngại?
Không ít nhà vườn và người kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê đứng ngồi không yên khi dịch Covid-19 lây tràn khắp nơi và trở thành đại dịch toàn cầu.
Riêng đối với mặt hàng cà phê, phải nói rằng giá cả đã khủng hoảng từ những ngày đầu niên vụ. Con virus SARS-CoV-2 khuấy đảo chỉ để làm “giọt nước tràn ly”. Thật vậy, đường biểu diễn giá cà phê London cho thấy trong vòng ba năm qua từ năm 2017 chỉ toàn chúi xuống, từ 2.150 đô la Mỹ/tấn nay chỉ còn 1.189 đô la Mỹ/tấn, hay thị trường tài chính còn gọi là “con gấu” (bearish).
Chính vì vậy, đến nay, nhiều nhà kinh doanh cà phê vẫn sống trong tâm lý lo sợ, một bên là dịch bệnh hoành hành, bên kia là những thông tin về Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, được mùa năm 2020. Rất nhiều nhà dự báo sản lượng Brazil đưa ra toàn con số “ngợp”. Như mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Lan Rabobank ước nước này đạt chừng 67,5 triệu bao (bao = 60 ki lô gam), trong đó robusta chừng 18,5 triệu bao, lớn kỷ lục lịch sử.
Đúng là nếu khoanh vùng sản lượng cà phê năm 2020 của riêng Brazil thì choáng thật! Nhưng tại sao không nghĩ rằng dịch Covid-19 có thể làm thay đổi cuộc cờ?
Xuất khẩu và tồn kho cà phê ít dần
Tồn kho giảm là hệ quả của xuất khẩu ít. Cần tin rằng bao lâu các nước xuất khẩu và tiêu thụ còn áp dụng chế độ giãn cách giao tiếp xã hội, thì xuất khẩu cà phê thế giới càng giảm và vì thế lượng tồn kho tại các nước tiêu thụ hạ dần.
Báo cáo định kỳ mới nhất phát hành tháng 3-2020 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu năm tháng đầu niên vụ 2019-2020 bắt đầu từ 1-10-2019 đạt 50,97 triệu bao, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Giữa dịch Covid-19, các công ty dịch vụ vận chuyển và kho bãi phải đóng cửa, một số nước xuất khẩu đã sơ bộ báo xuất khẩu giảm như Brazil, Colombia, Honduras… Trong thời gian còn lại của sáu tháng đầu năm 2020, hiện chưa có lý do gì để đoán xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng vì hai phía xuất và nhập khẩu đều giảm ký hợp đồng mới. Riêng bên nhập khẩu, các hãng rang xay lớn nhỏ tận dụng tồn kho tại chỗ và mua cà phê với các hợp đồng nhỏ vừa đủ chế biến để phục vụ giao tận nhà do tình trạng khách hàng bị “cấm túc”.
Hai con số tồn kho có ảnh hưởng đến giá cà phê thế giới nhiều nhất là từ Hiệp hội Cà phê nhân Mỹ (GCA) và Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF). Báo cáo mới nhất được hai tổ chức này phát hành cho thấy tồn kho cà phê khả dụng tại vùng Bắc Mỹ (của GCA) đến cuối tháng 3-2020 còn 6,2 triệu bao, tương đương với lượng chế biến tiêu thụ cho 12-14 tuần; ở Liên minh châu Âu (EU) đến tháng 12-2019 là 5,4 triệu bao, hay đủ tiêu thụ trong vòng 5-6 tuần(1) nếu như không nhập khẩu hột cà phê nào.
Dựa trên số liệu trên, có thể đoán rằng tồn kho cà phê vùng Bắc Mỹ bắt đầu giảm mạnh tính từ đầu tháng 4 cho đến tháng 7-2020. Còn tại EU, tồn kho đến nay đã sa sút khá nhiều, chỉ có điều hoàn cảnh chưa cho phép “bơm” đầy kho lại vì đang bận chuyện ngăn và khống chế dịch Covid-19.
“Con bò mộng” sẽ xuất hiện?
Giá sàn phái sinh robusta London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu - đã trải qua bốn lần sóng “hụp” nếu tính từ năm 2008 đến nay. Chúng đều gắn liền với các cuộc khủng hoảng đi theo sau là nhiều kế hoạch tài chính “cứu trợ” như các chương trình “nới lỏng định lượng”.
Cú giá chúi xuống hiện nay trên sàn này còn sâu hơn đợt năm 2008. Lịch sử còn ghi lại sự sụp đổ hàng loạt ngân hàng Mỹ và kéo theo các đồng nghiệp khác trên thế giới xuất phát từ các hợp đồng mua bán nợ thế chấp, tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bấy giờ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương đành phải bung ra hàng ngàn tỉ đô la Mỹ để cứu vãn tình thế, như Mỹ với 1.500 tỉ đô la Mỹ, EU 170 tỉ, Trung Quốc 586 tỉ…(2)
Tiếp theo đó, những gói tài chính “nới lỏng định lượng” gồm hàng ngàn tỉ đô la được các nước giàu bơm tiếp ra từ 2010-2015 đã giúp cho giá cà phê robusta lướt qua dịch cúm gia cầm được ghi nhận ca nhiễm từ súc vật qua người đầu tiên vào năm 2013 tại Trung Quốc(3).
Tiền trên các sàn giao dịch tài chính nhiều vô kể! Phải nói rằng chính nhờ dòng vốn dồi dào trên thị trường tài chính đã giúp giá cà phê trên các sàn phái sinh robusta London và arabica New York vượt đáy và tăng mạnh trở lại. Thực tế từng cho thấy bấy giờ nhiều hãng kinh doanh cà phê sừng sỏ trên thế giới có truyền thống tin vào các yếu tố, phân tích cung cầu đều phải điêu đứng. Thậm chí ngay cả một số hãng rang xay muốn vỡ nợ do không kịp thay đổi cách nhìn về thị trường: sức mạnh đồng tiền quyết định giá khi dòng vốn ngồn ngộn trên các sàn giao dịch tài chính.
Có thể nói rằng “con bò mộng” (bullish – cách gọi của thị trường tài chính) đang quanh quẩn đâu đây trên thị trường cà phê nhờ dịch Covid-19. Đại dịch hiện nay được nhiều người tin sẽ tạo nên một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ. Chính vì thế, các ngân hàng trung ương từ Mỹ đến EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang dùng sức mạnh “đại bác” tài chính để nã phá, đuổi con virus corona và quyết không để nền kinh tế từng nước và thế giới rớt vào thảm họa như thảm họa y tế đang thấy.
Vấn đề là khi nào con bò mộng này xuất hiện? Không phải dễ trả lời. Nhưng với tình hình hiện nay, khi sức tiêu thụ đang giảm, công tác logistics khó khăn, các nước đều tập trung dập dịch…, thì ít nhất phải đợi khi quán xá cà phê, nhà hàng mở cửa lại. Bấy giờ, từ chủ hãng đến thợ thuyền… an tâm làm việc, có đồng ra đồng vào, tin rằng ai cũng đều bằng lòng trả giá cao hơn cho ly cà phê mình thưởng thức.
(1)“Nhận định giá cà phê thế giới từ 6 đến 11-4-2020: Giá phái sinh dao động mạnh dù thị trường hàng thực tê liệt” tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21983
(2)“Khủng hoảng tài chính 2008”, UBCKNN, tại http://www.srtc.org.vn/images/uploaded/Khung%20hoang%20tai%20chinh%20the%20gioi%202008.pdf
(3)Quantitative easing, Wikipedia, tại https://en.wikipedia.org/wiki/Quantitative_easing