|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường biến động, thép nội vẫn có cơ phát triển

20:46 | 21/04/2018
Chia sẻ
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo thị trường thép Việt sẽ có mức tăng trưởng sản xuất khoảng 20-22% trong năm nay, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều tên tuổi như Hòa Phát, Hoa Sen, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tôn Đông Á…

Giới chuyên gia có đánh giá thận trọng hơn khi nhận định diễn biến thị trường thép Việt Nam phụ thuộc vào cung – cầu thế giới và giá cả hàng ngày. Đặc biệt là phụ thuộc thông tin liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối với thép nhập khẩu. Tuy nhiên, với đà tăng hiện nay, ngành thép vẫn có tương lai khá tốt.

Biến động khó lường

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhận định tình hình thị trường thép đang khá phức tạp. Giá cả nguyên liệu cho sản xuất thép đang có chiều hướng tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thép Việt Nam, khi doanh nghiệp (DN) nội vẫn đang nhập nhiều nguyên liệu như quặng, thép phôi, thép thành phẩm…

Đồng quan điểm, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thép Việt (Pomina), cũng cho biết giá thép hiện nay rất khó dự báo vì còn phụ thuộc vào cung – cầu thế giới và diễn biến giá cả hàng ngày.

Ông Thái đánh giá giá thép thời gian qua có xu hướng tăng và sẽ tiếp tục tăng, do giá nguyên liệu đầu vào đang tăng. Hơn nữa, việc giá thép thế giới tăng buộc DN Việt Nam phải có sự điều chỉnh phù hợp để cân đối lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường thép dự báo cao hơn năm 2017 nên mặt hàng này cũng có tiềm năng tăng giá.

Theo đó, trong quý I/2018, giá thép cán nguội tăng mạnh lên 600 USD/tấn, nhưng hiện đang giảm về khoảng 450-500 USD/tấn. Điều này cho thấy biến động rất khó lường của giá thép.

Hơn nữa, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối với thép nhập khẩu để “bảo hộ” ngành luyện kim trong nước, các thị trường lớn khác cũng đang có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, điều này ít nhiều gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của thị trường thép Việt Nam.

Theo báo cáo của VSA, tính trong năm 2017, ngành thép đã phải đối mặt với 30 vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó nhiều vụ đã kéo dài sang năm 2018…

Được biết,_chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 1,2 triệu tấn thép các loại, với tổng kim ngạch hơn 808 triệu USD, giảm 5% về lượng nhưng tăng 22% về giá trị.

Đồng thời, Việt Nam cũng xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 446.000 tấn, với kim ngạch 321 triệu USD, tăng 38% về lượng và 63% về giá trị so với cùng thời điểm năm 2017.

Trong nước, giá tại nhà máy hiện đang dao động ở mức trên 14.000 đồng/kg chưa có thuế giá trị gia tăng. Tại thị trường Tp.HCM, giá bán lẻ thép xây dựng đang dao động ở mức 17.500 – 18.000 đồng/kg, tăng 2.000 – 2.500 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.

Tương lai vẫn sáng

Các DN xây dựng cho biết đầu năm thường là thời điểm tăng của mặt hàng thép. Thông thường những năm trước, giá thép chỉ tăng khoảng 1.000 đồng/kg, tuy nhiên biên độ tăng giá của mặt hàng thép năm 2018 cao hơn hẳn mọi năm.

Việc các DN trong nước đang dần chủ động được công nghệ, nguồn nguyên liệu, đồng thời Chính phủ đang có các chính sách bảo hộ kịp thời, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang giúp ngành thép Việt Nam có một viễn cảnh phát triển tốt.

Số liệu của VSA cho biết trong năm 2017, DN trong nước đã sản xuất được gần 10 triệu tấn thép thô và gần 1,3 triệu tấn thép cán nóng HRC, đều là những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, châu Âu…

thi truong bien dong thep noi van co co phat trien
Dự kiến, từ năm 2018 trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam sẽ đủ để tạo nên C/O (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới của các DN đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) sắp có hiệu lực được đánh giá sẽ là cơ hội cho thép Việt Nam vươn ra các thị trường mới.

Ngoài ra, DN nội cũng đang được Chính phủ hỗ trợ khá tốt khi liên tục đưa ra các công cụ phòng vệ thương mại tương đối hiệu quả như áp thuế chống bán phá giá tới hơn 29% với thép hình chữ H…

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, DN thép Việt Nam không nên phụ thuộc vào các giải pháp bảo hộ của Chính phủ mà phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng mọi cơ hội để phát triển.

“Trước tiên, các DN cần giữ vững thị trường trong nước. Sau đó với xuất khẩu, mỗi DN ngành thép cần tuân thủ các hiệp định thương mại tự do, tích cực hợp tác với các nước nếu xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá nhằm tránh mất thị trường hoặc bị đánh thuế cao”, ông Dương nhận định.

Việc áp dụng công cụ tự vệ để bảo hộ ngành thép của Việt Nam lại cho thấy một thực tế là DN thép Việt nói chung chưa phải đủ mạnh và giàu kinh nghiệm trong việc cạnh tranh sòng phẳng với thép nước ngoài.

Hoàng Phú