|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị phần khai thác bitcoin của Trung Quốc giảm mạnh trong khi 'hàng xóm' thăng hoa

11:21 | 16/07/2021
Chia sẻ
Theo nghiên cứu mới từ Đại học Cambridge, thị phần khai thác bitcoin toàn cầu của Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm nay, trong khi nước láng giềng Kazakhstan vươn lên thành tay chơi lớn thứ ba thị trường.

Top 5 nước khai thác bitcoin mạnh nhất

CNBC dẫn thông tin nghiên cứu do tổ chức Centre for Alternative Finance thuộc Đại học Cambridge mới công bố cho biết Trung Quốc chiếm chưa đến một nửa (cụ thể là khoảng 46%) lượng điện năng dùng cho mục đích khai thác bitcoin trong tháng 4. 

Tỷ lệ này giảm mạnh so với mức 75,5% hồi tháng 9/2019, trước khi chính quyền Bắc Kinh bắt đầu trấn áp hoạt động đào tiền ảo.

Trong khi đó, thị phần khai thác bitcoin của Kazakhstan, nước láng giềng của Trung Quốc tại châu Á, tăng gần 6 lần từ 1,4% lên 8,2% trong cùng giai đoạn. Trong danh sách, Kazakhstan là nước xếp hạng ba trên thị trường đào bitcoin.

Thị phần của Mỹ tăng khoảng 4 lần từ 4,1% lên 16,8%, chiếm vị trí thứ hai trong danh sách. Ngoài ra, Nga và Iran lần lượt là các nước xếp hạng 4 và 5 về khai thác bitcoin trên toàn cầu.

Khai thác bitcoin là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng. Các máy tính trên khắp thế giới chạy đua để giải các phương trình toán học phức tạp để thực hiện giao dịch. Ai chiến thắng cuộc đua này sẽ được thưởng bằng bitcoin.

Giá bitcoin tăng cao trong những năm qua đã thu hút nhiều thợ đào tiền ảo hơn, từ đó tạo ra một ngành công nghiệp mới tập trung vào sản xuất và bán thiết bị khai thác tiền ảo. Càng nhiều người chen chân đào bitcoin thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

Điều đó đã dẫn đến những lo ngại về tác động tiềm tàng của bitcoin đối với môi trường, đặc biệt là khi hầu hết hoạt động đào bitcoin được thực hiện ở Trung Quốc, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào điện than.

Thị phần khai thác bitcoin toàn cầu: Trung Quốc đi lùi, người hàng xóm thăng hoa - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Nikkei Asia).

Những e ngại không dứt về môi trường

Trong các tháng gần đây, giới chức ở một số khu vực đào bitcoin nổi tiếng của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Nội Mông và khu tự trị Tân Cương đã tăng cường kiểm soát hoạt động này.

Một nghiên cứu của Đại học Cambrige cho thấy, khoảng 1/3 hoạt động khai thác bitcoin trên toàn cầu từng diễn ra ở Tân Cương. Các thợ đào bị thu hút đến Tân Cương vì giá điện ở khu tự trị này cực kỳ rẻ, khoản 0,22 nhân dân tệ/kWh so với 0,6 - 0,7 nhân dân tệ/kWh ở miền trung Trung Quốc.

Trong một bài viết trên tạp chí Nature năm 2018, các nhà khoa học cảnh báo đà tăng trưởng của bitcoin có thể khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C trong vòng ba thập kỷ. Các ước tính gần đây cho thấy mức phát thải khí nhà kính từ việc đào bitcoin "nằm giữa mức phát thải của hai quốc gia Jordan và Sri Lanka".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Michel Rauchs của Đại học Cambridge cho rằng rất khó để phân tích hỗn hợp năng lượng của bitcoin. Vào mùa mưa, các thợ đào Trung Quốc thường đổ về Tứ Xuyên, một tỉnh mạnh về thủy điện ở phía tây nam nước này.

Dữ liệu của ông Rauchs cho thấy, từ đầu mùa mưa đến lúc cao điểm, tỷ trọng của Tứ Xuyên trong tổng công suất khai thác bitcoin ở đất nước tỷ dân đã tăng từ 14,9% lên 61,1%. Trong khi đó, tỷ trọng của Tân Cương lao dốc từ 55,1% xuống còn 9,6%.

Ngoài ra, phân tích của chuyên gia Michel Rauchs cũng cho thấy nhiều thợ đào bitcoin đã rời khỏi Trung Quốc đến nước láng giềng Kazakhstan trước khi cuộc trấn áp của Bắc Kinh hồi tháng 6 thực sự diễn ra. Theo Bloomberg, Kazakhstan có hơn 22 gigawatt công suất điện, phần lớn từ than đá và các trạm khí đốt.

Năm 2019, ông Rauchs đã tạo ra một chỉ số để hiển thị mức năng lượng mà đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đang tiêu thụ. Vị học giả cho biết ông đang nghiên cứu một mô hình mới có thể minh họa tác động môi trường của hoạt động khai thác bitcoin.

Các luồng thông tin xoay quanh mức tiêu thụ điện năng của bitcoin đã khiến đồng tiền ảo này trở thành một tài sản gây tranh cãi ngay tại thời điểm mà nhà đầu tư đang rất quan tâm đến chủ đề môi trường.

Hồi tháng 5, không lâu sau khi tuyên bố Tesla đã mua vào 1,5 tỷ USD bitcoin, CEO Elon Musk tuyên bố hãng xe điện sẽ ngừng nhận thanh toán bằng bitcoin, trừ khi việc khai thác đồng tiền ảo này thân thiện với môi trường hơn.

Khả Nhân

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.