Hồ nước tại Mỹ bị 'thiêu đốt' vì dân đào bitcoin
Hồ nước "bốc hỏa" vì bitcoin
Hè năm nay, nhiều cư dân gần hồ Seneca, hồ lớn nhất tại vùng Finger Lakes ở ngoại ô bang New York (Mỹ), đang bận rộn biểu tình phản đối một nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Người dân cho rằng nhà máy đang gây ô nhiễm không khí và làm nước hồ Seneca nóng lên.
Cô Abi Buddington, người sống gần nhà máy điện trên, cho biết: "Hồ Seneca nóng đến mức bạn cảm thấy như đang ở trong một bồn tắm nước nóng".
Theo NBC News, nhà máy điện này nằm trên bờ hồ Seneca, thuộc sở hữu của công ty đầu tư tư nhân Atlas Holdings và được điều hành bởi Greenidge Generation. Trong hơn một năm rưỡi qua, nhà máy đã tăng mạnh sản lượng điện để phục vụ cho việc đào bitcoin.
Chuyên gia phân tích Clark Williams-Derry tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính cho biết, lợi nhuận tiềm năng của bitcoin đang thúc giục nhà đầu tư mua lại các nhà máy điện giá rẻ nhưng phát thải nhiều khí nhà kính.
Dù các nhà máy sử dụng khí tự nhiên không gây ô nhiễm bằng các cơ sở phát điện sử dụng than đá, chúng vẫn tạo ra một lượng lớn khí thải carbon, ông Williams-Derry lưu ý.
CEO Jeff Kirt cho biết, sau khi Greenidge thâu tóm nhà máy bên bờ hồ Seneca, họ đã tìm ra cách hái bộn tiền từ nguồn năng lượng dư thừa mà cơ sở này sản xuất được. Từ đó đến nay, Greennidge đã kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động đào bitcoin.
Trong 12 tháng tính đến ngày 28/2 năm nay, Greenidge đã khai thác được khoảng 1.186 bitcoin với chi phí khoảng 2.869 USD/BTC. Giá bitcoin hiện tại dao động quanh mức 33.700 USD/BTC.
Thông tin từ NBC News cho biết, nhà máy điện trên hiện có khoảng 8.000 máy tính đào bitcoin và Greenidge dự kiến sẽ lắp đặt thêm các máy mới.
"Mô hình kinh doanh khủng khiếp"
Atlas Holdings mua lại nhà máy điện Greenidge với tổng diện tích hơn 60 ha vào năm 2014, tức ba năm sau khi nó đóng cửa. Được chuyển đổi từ nhà máy điện than sang sử dụng khí đốt tự nhiên, cơ sở gần 80 năm tuổi này hoạt động trở lại vào năm 2017.
Năm 2019, Greenidge bắt đầu sử dụng nhà máy trên để khai thác bitcoin và sau đó tăng sản lượng điện. Khi nguồn cung điện dư thừa, Greenidge sẽ bán điện cho lưới điện địa phương, nhưng phần lớn điện năng mà họ sản xuất được đều dùng để đào bitcoin.
Hiện tại, Greenidge đang có kế hoạch mở rộng quy mô của nhà máy bên bờ hồ Seneca cũng như nhân rộng mô hình này tại một số địa phương khác. Tuần trước, Greenidge đã công bố dự án khai thác bitcoin mới ở một nhà máy in cũ mà Atlas Holdings sở hữu ở thành phố Spartanburg, bang South Carolina.
Hồi tháng 3, Greenidge cho biết công suất khai thác bitcoin của họ sẽ tăng từ 19 MW lên 45 MW vào tháng 12 năm nay và có thể nhảy vọt lên 500 MW vào năm 2025 khi công ty mở rộng mô hình đào bitcoin ở nơi khác.
Cũng trong tháng 3, Greenidge thông báo sẽ sáp nhập với Support.com, một công ty dịch vụ công nghệ đang kinh doanh không mấy hiệu quả. Thỏa thuận này, dự kiến sẽ được hoàn thành vào quý III/2021, sẽ trao quyền kiểm soát công ty mới cho Atlas Holdings. Ngoài ra, Atlas Holdings còn có thể tiếp cận nguồn tiền của các nhà đầu tư đại chúng.
"Dân đào tiền ảo thường nhắm đến các khu vực có nguồn điện tương đối rẻ và khí hậu mát mẻ. Đó là một mô hình kinh doanh khủng khiếp cho bang New York, toàn nước Mỹ cũng như cho cả hành tinh", bà Yvonne Taylor, Phó Chủ tịch tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận Seneca Lake Guardian, nhấn mạnh.
Chỉ số Tiêu thụ Điện của Bitcoin do Đại học Cambridge tổng hợp dự báo rằng, hoạt động khai thác bitcoin trên toàn cầu sẽ tiêu thụ hơn 120 TWh điện năng trong năm nay, nhiều hơn mức tiêu thụ năng lượng của Argentina. (1 Terawatt giờ = 1 tỷ Kilowatt giờ, hay 1 tỷ số điện theo cách nói của người Việt Nam).
Greenidge phản bác quan điểm của bà Taylor. Tháng trước, công ty này cho biết các hoạt động của họ sẽ sớm trung hòa carbon. Greenidge đang mua thêm tín dụng carbon để bù đắp cho lượng khí thải do các nhà máy phát thải ra bên ngoài.
Bà Judith Enck, cựu quản lý khu vực New York của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), bày tỏ sự quan ngại. "Mua tín dụng carbon để bù đắp mức phát thải không phải là cách hiệu quả để đạt được các mục tiêu giảm khí thải nhà kính".
Hậu quả nghiêm trọng
Theo NBC News, giới phê bình còn cho biết, một lý do khiến hoạt động đào bitcoin bị coi là mối đe dọa đối với môi trường là do nhà điều hành mới của các nhà máy điện có thể sử dụng giấy phép được cấp nhiều năm trước mà không cần đánh giá chuyên sâu về môi trường.
Cho đến nay, các tranh chấp pháp lý chống lại hoạt động của nhà máy bên hồ Seneca đều thất bại. Các tài liệu do Greenidge công bố khẳng định các nhà chức trách môi trường của bang New York xác định rằng nhà máy này "không có tác động đáng kể đến môi trường".
Tuy nhiên, lượng khí thải từ nhà máy trên vẫn tăng cao. Tài liệu của tổ chức Earth Justice cho thấy, vào cuối năm ngoái, dù nhà máy chỉ hoạt động với 13% công suất bình thường, tổng lượng khí thải tương đương CO2 vẫn lên tới 243.103 tấn, tăng mạnh so với mức 28.301 tấn vào tháng 1.
Trước khi bắt đầu khai thác bitcoin, nhà máy này tạo ra lượng khí thải carbon khoảng 11.304 tấn vào năm 2018 và 39.406 vào năm 2019, các tài liệu liên bang chỉ ra.
Hôm 5/6, người dân đã tổ chức biểu tình phản đối nhà máy Greenidge tại văn phòng Cục Bảo vệ Môi trường ở thành phố Avon, bang New York.
Người biểu tình cho biết, nếu các nhà quản lý không can thiệp vào vụ việc nhà máy Greenidge, 30 nhà máy điện khác ở New York có thể được chuyển đổi để khai thác bitcoin, từ đó gây ảnh hưởng cho mục tiêu giảm phát thải CO2 của toàn bang.
Ngoài ra, cư dân địa phương còn cho biết việc sử dụng nước của Greenidge là một vấn đề khác. Giấy phép hiện tại cho phép Greenidge tiếp nhận hơn 522.000 m3 nước và thải ra 511.000 m3 mỗi ngày, ở nhiệt độ đến 42 độ C vào mùa hè và 30 độ C vào mùa đông.
Cư dân cho rằng hồ Seneca trở nên nóng hơn kể từ khi nhà máy điện của Greenidge bắt đầu hoạt động trở lại. Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (EPA) cảnh báo, nhiệt độ nước tăng có thể gây tổn hại cho cá và thúc đẩy tảo độc nở rộ.