Bitcoin phải đối mặt với những rủi ro nào trong 6 tháng cuối năm?
Trong khi những người ủng hộ dường như đang tiếp tục nắm giữ bitcoin, các nhà đầu tư khác lại cảnh giác về sự biến động dữ dội trên thị trường và lo ngại về rủi ro đối với danh mục của họ.
CNBC đã tổng hợp 5 trong số những rủi ro lớn nhất mà đồng tiền ảo lớn nhất thế giới phải đối mặt khi chúng ta bước vào nửa cuối năm 2021.
Quy định ngặt nghèo
Một trong các rủi ro hàng đầu đối với bitcoin hiện tại là quy định.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh cuộc trấn áp ngành công nghiệp tiền ảo. Chính phủ đóng cửa các hoạt động khai thác tiền ảo tiêu tốn năng lượng cũng như yêu cầu các ngân hàng và công ty thanh toán như Alipay không được cung cấp dịch vụ tiền ảo.
Tuần trước, cuộc trấn áp thị trường tiền ảo lan sang Anh. Giới chức Anh đã cấm sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của nước này, theo CNBC.
Ông Simon Yu, CEO của startup tiền ảo StormX, nói nhà đầu tư nên coi động thái của Trung Quốc như một điều "tích cực" đối với bitcoin và các đồng tiền khác như ethereum, vì thị trường sẽ ngày càng phi tập trung hóa.
Tuy nhiên, ông Yu cảnh báo rằng nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden siết chặt quy định quá mức, vấn đề lớn có thể xảy ra. "Mỹ có quá nhiều cơ quan có thể quản lý tiền ảo từ nhiều góc độ. Bitcoin có thể là một mối đe dọa an ninh, hoặc có thể là một hàng hóa, hoặc một loại tài sản tại Mỹ", ông Yu giải thích.
"Hiện tại, chính phủ Mỹ chưa tìm ra cách kiểm soát thị trường tiền ảo một cách hợp lý, điều này có thể cản trở hoạt động kinh doanh tiền ảo về sau", CNBC dẫn lời ông Yu cho hay.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác đã cảnh báo rằng tiền ảo đang được sử dụng cho các giao dịch bất hợp pháp.
Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng đề xuất một quy định chống rửa tiền, yêu cầu nhà đầu tư nắm giữ bitcoin trong ví điện tử phải xác thực danh tính nếu họ thực hiện các giao dịch từ 3.000 USD trở lên.
Bitcoin biến động dữ dội
Một rủi ro khác là giá bitcoin và các đồng tiền ảo thường biến động mạnh và kéo dài.
Tháng 4 năm nay, giá bitcoin đã chạm mức kỷ lục mọi thời đại khoảng 64.829 USD/BTC vào ngày sàn giao dịch tiền ảo Coinbase chào sàn Nasdaq.
Sau đó, giá của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới lao dốc xuống còn 28.911 USD/BTC vào cuối tháng 6, gần như toàn bộ mức tăng trong năm nay bốc hơi. Hiện tại, giá bitcoin đã quay trở lại trên 34.000 USD/BTC.
Các nhà đầu tư ủng hộ bitcoin coi đồng tiền này như một loại vàng kỹ thuật số, một tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế. Tuy nhiên, trong khi sự biến động có thể mang lại lợi ích khi giá của một tài sản tăng lên, thì biến động của bitcoin lại đi theo hai chiều.
Ngân hàng UBS lưu ý: "Nguồn cung hạn chế của các đồng tiền ảo có thể làm gia tăng mức độ biến động. Bitcoin chưa được sử dụng rộng rãi trong đời sống thực và giá tăng giảm thất thường, hai điều này cho thấy nhiều người đang đầu cơ để kiếm lời".
Mặc dù sự biến động liên tục của bitcoin có thể khiến một số người nản lòng, CFO Ross Middleton của nền tảng tài chính phi tập trung DeversiFi cho rằng bản thân tính chất đặc trung này có thể thu hút các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường.
Chia sẻ với CNBC, ông Middleton nói: "Sự biến động thực sự có thể là một điểm thu hút, vì với tiềm năng biến động giá lớn của bitcoin, các quỹ có thể kiếm lời nếu đầu tư vào thị trường với mức phân bổ vốn nhỏ so với quy mô danh mục tổng thể".
Lo ngại môi trường
Các câu hỏi xoay quanh tác động của bitcoin đối với môi trường có thể là một cơn gió ngược khác với đồng tiền ảo này.
Trâu cày đòi hỏi rất nhiều năng lượng để vận hành. Song song với diễn biến giá, mức tiêu thụ năng lượng của bitcoin đã tăng đáng kể trong những năm qua. Các nhà phê bình từ lâu đã cảnh báo về lượng khí thải carbon khổng lồ của bitcoin, nhưng CEO Tesla Elon Musk là người gần nhất đưa vấn đề ra trước ánh sáng.
Đầu năm nay, hãng xe điện của Musk khiến thị trường choáng váng khi tuyên bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào bitcoin và bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền ảo này. Tuy nhiên, sau đó Elon Musk đã làm chao đảo thị trường khi đảo ngược quyết định trước do lo ngại ảnh hưởng của hoạt động đào bitcoin đến môi trường.
Theo CNBC, tác động môi trường của bitcoin đặt các nhà quản lý tài sản vào thế khó, trong bối cảnh dư luận ngày càng tạo áp lực buộc họ phải hạn chế đầu tư vào các tài sản rủi ro về mặt đạo đức.
Stablecoin bị giám sát
Các đồng stablecoin cũng đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng lớn từ các cơ quan quản lý. Stablecoin là những đồng tiền ảo có mức giá cố định, được gắn với các tài sản trong thế giới thực như đồng USD.
Tuần trước, ông Eric Rosengren, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Boston, cho biết tether - đồng stablecoin nằm trong những loại tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, là một rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.
Các nhà đầu tư thường dùng tether để mua các đồng tiền ảo khác như một lựa chọn thay thế cho đồng bạc xanh. Song, một số người lo ngại rằng nhà phát hành của tether không có đủ dự trữ USD để duy trì cơ chế neo giá USD của đồng tiền ảo.
Hồi tháng 5, công ty đứng đằng sau tether đã công bố báo cáo tài chính. Khoảng 76% dự trữ của công ty này là tiền mặt và các khoản tương đương tiền, nhưng chưa đến 4% là tiền mặt thực sự, trong khi khoảng 65% là thương phiếu (một dạng nợ ngắn hạn).
Từ lâu, giới phê bình đã lo ngại rằng tether đang được sử dụng để thao túng giá bitcoin. Năm 2018, nghiên cứu của giáo sư John Griffin (Đại học Texas) và đồng sự cho thấy, tether đã được dùng để thổi giá bitcoin khi đồng tiền ảo lớn nhất thế giới giảm điểm giữa đợt tăng điên cuồng năm 2017.
"Meme coins" và lừa đảo
Nạn đầu cơ lan tràn trên thị trường tiền ảo có thể là một rủi ro khác đối với bitcoin.
Dogecoin, đồng tiền ảo "hệ Shiba Inu" vốn được tạo ra như một trò đùa, đã tăng vọt vào đầu năm nay, liên tục cán các mốc kỷ lục mới, trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào các tài sản kỹ thuật số để kiếm lời lớn.
Tại một thời điểm, vốn hóa của dogecoin còn cao hơn cả Ford và các công ty lớn khác của Mỹ, một phần là nhờ vào những bão tweet của Elon Musk. Song, đồng tiền ảo này đã mất giá mạnh kể từ đó.
"Rủi ro là các trò gian lận, lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều trong suốt năm qua. Ở một số meme coin nhất định, chúng tôi đã chứng kiến nhiều màn bơm giá và bán phá giá khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ phải gánh chịu thiệt hại lớn", ông Yu của StormX cho hay.
"Bất cứ khi nào nhà đầu tư bán lẻ bị hại, chính phủ sẽ vào cuộc. Nếu mọi thứ bị quản lý quá nghiêm ngặt, ngành công nghiệp tiền ảo có thể bị ảnh hưởng tiêu cực", ông Yu nhấn mạnh.