Thép Trung Quốc chật vật với virus corona
Sản xuất đình trệ, giá thép có thể lao dốc ngay trong tháng 2
Năm 2019, các chỉ số chính trong ngành bất động sản Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), đầu tư bất động sản của nước này tăng gần 10% lên 13.200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,9 nghìn tỉ USD) năm 2019. Diện tích sàn đang xây dựng tăng 8,7% từ năm 2018 lên gần 9 tỉ m2.
Với tác động của dịch virus corona vào cuối năm ngoái, doanh số bán bất động sản 2020 dự kiến sụt giảm, việc xây dựng bị chậm lại và nhu cầu về các thiết bị gia dụng cũng suy yếu, NBS nhận định.
Chủ tịch SteelHome, Ông Wu Wenzhang nhận định, thị trường thép Trung Quốc có thể giảm mạnh hơn 10% vào tháng 2 dù thị trường thép cây, thép cán nóng (HRC), quặng sắt và than cốc… đều tăng trước Tết Nguyên đán.
Chốt phiên ngày 4/2, hợp đồng quặng sắt giao sau ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do những lo ngại liên quan đến tác động kinh tế của sự bùng phát của virus corona.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên, giảm mạnh 6,1% xuống 569,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 81,12 USD/tấn), mức thấp nhất kể từ ngày 12/11, trước khi đóng cửa giảm 2,6%.
Các nhà máy đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu thô như than, than mỡ, quặng sắt, thậm chí tệ hơn đối với các kho dự trữ phế liệu. Cần theo dõi sự phát triển kinh tế vĩ mô của Trung Quốc vào năm 2020 để xác định nhu cầu thép.
Theo ông Wũ, khả năng cao giá thép sẽ giảm, nhưng không cần phản ứng thái quá vì mức thấp hồi tháng 8/2019 có thể coi là đáy của vòng giảm giá lần này.
Quí I là thời điểm thuận lợi nhất đối với người mua. Thị trường giao ngay có thể đạt mức thấp mới so với năm 2019, nhưng hầu như không thấp hơn 3.000 – 3.200 nhân dân tệ/tấn. Ngoài ra, gần như các tàu vận chuyển hiện đang phải cập cảng Thiên Tân vì dịch do virus corona.
Nhiều khu vực sản xuất thép đình trệ do hàng tồn kho cao, đẩy các nhà máy vào tình thế giảm sản lượng. Thậm chí các nhà máy có thể phải ngừng hoạt động nếu cạn nguyên liệu than cốc, quặng sắt và phế liệu, bên cạnh việc vận chuyển và hậu cần bị yêu cầu tạm dừng.
Mặc dù vậy, ông Wu vẫn để ngỏ việc giá thép cao nhất năm 2020 có thể đạt quanh mức 4.000 nhân dân tệ/tấn (tương đương 571 USD/tấn) đối với cốt thép và HRC. Đồng thời, giá quặng sắt khó giảm xuống dưới 71 - 75 USD/tấn trong nửa đầu năm.
Cuộc khủng hoảng của đại dịch SARS năm 2003 kéo giá thép rơi mạnh vào tháng 4 và 5 nhưng sau đó đã hồi phục nhanh chóng. Nếu so với thời điểm hiện tại thì tình hình khá giống nhau.
Thời gian này, Trung Quốc mới gia nhập WTO sau một năm và hầu hết các thương nhân đều cho rằng kinh tế trong nước sẽ chịu tổn thương nặng nề. Giờ đây, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Cũng năm đó, quốc gia này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% và năm 2020 là 6%. Tuy nhiên, điều khác nhau là tỉ lệ đóng góp của Đầu tư tài sản cố định (FAI) vào GDP là 69,6% trong năm 2003 và hiện chỉ còn 31,2%.
Ngành dịch vụ sẽ hồi phục khi dịch corona kết thúc. Sau đó, việc mở rộng FAI sẽ là ưu tiên của chính phủ Trung Quốc trong năm nay để ổn định việc làm và phát triển kinh tế.
Tồn kho HRC, CRC tăng mạnh trong mùa dịch do virus corona
Giá thép cuộn cán nóng Trung Quốc (HRC) 5,75mm * 1500 tại ngày 23/1 đạt 3.850 nhân dân tệ/tấn, giảm 25 nhân dân tệ so với cuối tháng 12/2019.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS), sản lượng HRC Trung Quốc năm 2019 vượt 236 triệu tấn, tăng 8,6% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng tháng 12/2019 với hơn 20,5 triệu tấn, tăng 14,3% so với cùng kì năm trước đó.
Hầu hết nhà máy thép đều sản xuất HRC với tốc độ ổn định trong tháng 1/2020. Trong khi đó, giá trung bình HRC cao hơn giá trung bình của thép cây và một số nhà máy có xu hướng sản xuất HRC nhiều hơn.
Hiện nay, hiệu suất của một số ngành công nghiệp hạ nguồn tại Trung Quốc không ổn định. Trong đó, sản lượng ô tô tiếp tục giảm còn đóng tàu vẫn phát triển.
Theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc, sản lượng ô tô năm 2019 ghi nhận 25,7 triệu chiếc, giảm 7,5% so với 2018. Tính riêng tháng 12/2019, doanh số bán hàng đạt khoảng 2,68 triệu chiếc, giảm nhẹ so với cùng kì. Năm 2020 có thể phục hồi chậm hơn do dịch virus corona.
Trong khi đó, dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng trọng tải của các tàu được hoàn thiện tại Trung Quốc năm 2019 đạt 36,7 triệu DWT (đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu thủy), tăng 6,2% so với năm 2018.
Mặc dù việc hoàn thành việc đóng tàu tiếp tục tăng nhưng các đơn đặt hàng đều giảm. Cụ thể, đơn đặt hàng mới khoảng 29 triệu DWT, giảm 20,7%. Tính đến hết tháng 12, tổng số đơn đặt hàng gần 82 triệu DWT, giảm 8,6% so với năm 2018.
Theo thống kê, khoảng 122 tàu cỡ lớn sẽ được chuyển giao trong năm 2020. Do đó, các đơn đặt hàng mới có thể bị hoãn lại.
Hàng tồn kho HRC của Trung Quốc cũng tăng nhẹ trong tháng 1 lên 2,16 triệu tấn tính tới ngày 22/1, tăng 3,6% so với cùng kì năm ngoái. Ước tính tồn kho HRC sẽ tăng mạnh trong tháng 2.
Hầu hết doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng đã hoãn sản xuất do virus corona. Doanh số bán thiết bị gia dụng, ô tô sẽ giảm và hạn chế nhu cầu đối với thép cán nguội (CRC).
Giá thị trường CRC Trung Quốc biến động nhẹ trong tháng 1, đạt trung bình 4.474 nhân dân tệ/tấn đối với CRC 1mm tại thị trường nội địa.
Tổng sản lượng CRC năm 2019 đạt 86,2 triệu tấn, tăng 588.000 tấn (0,7%) so với năm 2018. Trong đó, tháng 12 đạt gần 8 triệu tấn, tăng 5,7% so với năm trước. Sản lượng trung bình hàng ngày trong tháng là 255.000 tấn, giảm 2,4% so với tháng 11/2019.
Xuất khẩu CRC năm 2019 ước đạt 4,35 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kì 2018. Nhập khẩu hơn 2,25 triệu tấn, giảm 5,7%.
Ước tính, sản lượng thép cán nguội tháng 1 và 2 đạt hơn 15 triệu tấn, giảm trung bình hàng ngày 1,3% so với tháng 12/2019. Xuất khẩu khoảng 350.000 tấn và nhập khẩu 200.000 tấn.
Theo dữ liệu từ SteelHome, hàng tồn kho CRC của Trung Quốc tại các thành phố lớn đạt gần 1,3 triệu tấn tính đến ngày 22/1, tăng 10 % so với cuối tháng 12/2019. Dự báo hàng tồn kho của thép cán nguội sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 2.