Thêm tín hiệu đáng quan ngại về kinh tế Trung Quốc
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản lý mua hàng chính thức (PMI) của ngành sản xuất, thước đo chính sản lượng nhà máy, đạt 49,7 trong tháng 8/2023, dưới mốc 50 điểm, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm.
Số liệu mới nhất này cho thấy quá trình phục hồi sau COVID-19 của Trung Quốc đang đi chệch hướng do nhu cầu ở nước ngoài sụt giảm cũng như mức tiêu dùng trong nước suy giảm. Dù vậy, số liệu này vẫn cao hơn một chút so với số liệu tháng 7/2023 và cũng cao hơn dự báo.
PMI trong lĩnh vực phi chế tạo, bao gồm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, đã giảm từ 51,5 trong tháng 7/2023 xuống 51 trong tháng 8/2023.
Nhu cầu xuất khẩu ảm đạm, thị trường bất động sản sụt giảm và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng giảm kinh tế ở Trung Quốc.
Trong một thông báo, nhà phân tích Zhao Qinghe của NBS cho biết kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu thị trường không đủ vẫn là một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay.
Một loạt các chỉ số yếu kém trong năm nay đã làm gia tăng áp lực lên các cơ quan chức năng trong việc đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong một báo cáo nghiên cứu, các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết động lực kinh tế nhìn chung vẫn còn yếu và cần có thêm hỗ trợ chính sách để tránh tình trạng suy giảm mới vào cuối năm nay.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3% trong quý II/2023, yếu hơn nhiều so với mức 7,1% dự đoán trong cuộc khảo sát của các nhà phân tích thuộc AFP. Trung Quốcđặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức 5,2% trong năm nay.