Thêm nhiều ngân hàng tung gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, qui mô lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng virus corona mới (covid-19) gây ra, một loạt ngân hàng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi với qui mô hàng chục nghìn tỉ đồng để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.
Mới nhất, BIDV thông báo triển khai gói tín dụng hỗ trợ có qui mô 20.000 tỉ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của BIDV có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Với gói hỗ trợ này, BIDV sẽ thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kì hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất. Gói tín dụng được triển khai đến hết 30/6/2020 hoặc đến khi hết qui mô gói.
Trước đó, từ ngày 14/2, BIDV đã triển khai gói tín dụng qui mô 5.000 tỉ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cùng với BIDV, "ông lớn" Vietcombank thông báo sẽ triển khai loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch do virus corona (nCoV) gây nên.
Các biện pháp được Vietcombank triển khai bao gồm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn và giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, khoản vay mới.
Trong đó, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn.
Đối với các khoản cho vay mới, lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của VCB.
Thời gian triển khai các biện pháp hỗ trợ là từ ngày 11/02 đến hết 30/4/2020.
Tại VietinBank, ngay đầu tháng 2, Tổng Giám đốc ngân hàng này đã có văn bản yêu cầu các chi nhánh, PGD khẩn trương đánh giá và cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do dịch Corona gây ra đối với doanh nghiệp, người dân là khách hàng của VietinBank để có biện pháp hỗ trợ kịp thời
Đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đối với thị trường Trung Quốc bị gián đoạn, khó khăn do dịch nhưng có phương án sản xuất kinh doanh mới, khả thi thì các chi nhánh VietinBank tiếp tục xem xét cho vay mới theo qui định.
Đồng thời, các khách hàng này cũng được hưởng cơ chế lãi suất ưu đãi theo qui định của VietinBank hiện nay, cụ thể khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức lãi suất 6%/năm, các khách hàng khác được áp dụng mức lãi suất 6,8%/năm.
Bên cạnh những ngân hàng gốc quốc doanh, các nhà băng tư nhân cũng tích cực triển khai các gói tín dụng hộ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mới nhất, SHB thông báo dành nguồn vốn 3.000 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi covid – 19.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, SHB sẽ thực hiện hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu.
Cụ thể, khách hàng vay vốn sẽ được giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD. Gói hỗ trợ sẽ được triển khai đến ngày 30/6/2020.
Bên cạnh đó, SHB đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khác như cơ cấu thời hạn trả nợ song vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi phí trả nợ trước hạn…
"Với nguồn vốn 3.000 tỉ đồng, SHB sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh", Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết.
Trước SHB, MBBank cũng đã triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với lãi suất cho vay ưu đãi đối với khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn nhằm khắc phục thiệt hại của dịch bệnh.
HDBank cho biết sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi với mức giảm từ 2%-4,5% so với lãi suất thông thường đối với người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ…đặc biệt ở khu vực nông thôn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại Kienlongbank, ngân hàng này thông báo sẽ áp dụng giảm lãi suất cho vay 3%/năm từ ngày 1/2 đến 30/4 đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây: Thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua.
Đồng thời, trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
NHNN yêu cầu các ngân hàng xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Trong văn bản chỉ đạo mới ban hành, NHNN đề nghị các TCTD xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nội dung của văn bản chỉ đạo nêu rõ, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Tổ chức tín dụng có hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó qui định cụ thể về: tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19; nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Đồng thời, tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng dẫn, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Tổ chức tín dụng báo cáo NHNN (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) kết quả thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo qui định đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 vào ngày 15/3/2020 và ngày 31/3/2020.