Thêm một doanh nghiệp bé hạt tiêu huy động thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo, CTCP Đầu tư Xây dựng Tùng Khánh vừa huy động được 2.000 tỉ đồng trong tổng số 2.400 tỉ đồng trái phiếu đăng kí phát hành vào ngày 5/12 vừa qua.
Lô trái phiếu này có kì hạn ba năm, lãi suất 11,5%/năm ở kì tính lãi đầu tiên. Các kì tính lãi tiếp theo được điều chỉnh ba tháng/lần và lãi suất được xác định bằng tổng lãi suất tham chiếu và biên độ 4,5%.
Để phát hành lô trái phiếu nói trên, Tùng Khánh đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ việc tăng qui mô vốn hoạt động, các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, bất động sản đem ra đảm bảo là dự án nào không được đề cập trong báo cáo.
Lô trái phiếu này do CTCP Chứng khoán VPS làm đại lí phát hành, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đóng vai trò quản lí tài sản đảm bảo.
Trong khi Tùng Khánh là cái tên quá xa lạ trên thị trường BĐS thì VPS và VPBank là hai tổ chức đóng vai trò trung gian cho hàng loạt thương vụ huy động vốn lớn trong năm nay, điển hình như lô trái phiếu 6.450 tỉ đồng của Bông Sen Corp phát hành ngày 27/8.
Dữ liệu của người viết còn cho thấy, tại ngày 3/9, Bông Sen Corp đã thế chấp 5,9 triệu trái phiếu của Công ty TNHH Yamagata phát hành ngày 23/1 và 1,9 triệu trái phiếu của CTCP Azura phát hành ngày 21/1 cho VPS.
Trở lại với Tùng Khánh, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 3/3/2006, có trụ sở tại số 51 F3 Khu đô thị mới Đại Kim, Hà Nội.
Trước khi phát hành lô trái phiếu 2.000 tỉ đồng, Tùng Khánh công bố tăng vốn điều lệ từ 25 tỉ đồng lên 120 tỉ đồng vào ngày 11/10 vừa qua. Cùng thời điểm này, công ty do ông Bùi Thanh Tùng (sinh năm 1979) làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Ngoài ra, tra cứu thông tin trên Google, người viết cũng không thể tìm được bất cứ thông tin nào khác về ông Tùng và hoạt động của công ty Tùng Khánh ngoại trừ thông tin đăng kí doanh nghiệp.
Hiện tượng công ty "vô danh" huy động được một lượng tiền lớn từ kênh trái phiếu trong năm nay đang bỗng dưng trở nên phổ biến. Trong khi đó, thị trường cũng chứng kiến những tên tuổi lớn thất bại khi huy động vốn qua kênh này.