Thế giới vẫn cần nhiên liệu hóa thạch
Một số người đang tìm cách chứng minh rằng nền kinh tế thế giới có thể vận hành trơn tru chỉ với năng lượng tái tạo, mà ruồng bỏ nhiên liệu hóa thạch. Niềm tin này đang phớt lờ những chi phí và hệ lụy liên quan đến phát triển năng lượng sạch. Trên hết, hãy nhớ rằng mặt trời không phải lúc nào cũng sáng và gió không phải sẽ luôn thổi.
Gian nan bài toán chi phí, môi trường
Kể từ thời kỳ công nghiệp hóa đầu thế kỷ 19, thế giới đã dựa vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển. Giờ đây, cơ sở hạ tầng năng lượng chủ yếu được xây dựng cho nhiên liệu hóa thạch.
Điều đó đồng nghĩa rằng, nếu muốn chuyển sang năng lượng sạch, chúng ta cần phải xây dựng lại gần như toàn bộ hệ thống phân phối và tiêu dùng, từ tuabin gió, pin mặt trời đến hành vi người tiêu dùng, ... Rõ ràng, đây là một khối công việc đồ sộ.
Mặt khác, sau hàng chục năm được trợ cấp, điện tái tạo chỉ đáp ứng được khoảng 10% lượng điện năng của thế giới, vì mặt trời hay gió không thể cung cấp năng lượng liên tục, cần phải có nguồn điện dự phòng từ nhiên liệu hóa thạch.
Đây là một thách thức về mặt kỹ thuật, vì lưới điện hoạt động theo thời gian thực, tức là điện được tạo ra và tiêu thụ đồng thời. Năng lượng tái tạo thường phụ thuộc vào thời tiết nên các nhà sản xuất cần phải xây dựng kho lưu trữ, mà cách này chưa hiệu quả.
Do cơ sở hạ tầng chưa hỗ trợ và tính ngắt quãng của năng lượng tái tạo, chúng ta có thêm một vấn đề cân não khác: bài toán chi phí. Nếu không có trợ cấp, giá điện mặt trời hoặc điện gió phải đắt đỏ hơn điện từ nhiên liệu hóa thạch vì chi phí xây dựng và đầu vào cao.
Lấy điện gió làm ví dụ. Hiệp hội Hạt nhân Mỹ (ANS) ước tính, một trang trại điện gió công suất 1.000 MW tiêu tốn khoảng 1,75 tỷ USD để lắp đặt tất cả 500 tuabin, 3,5 triệu USD/chiếc.
Mỗi trang trại thường có vòng đời 15 năm, quy ra mỗi năm chi phí rơi vào khoảng 116 triệu USD. Nếu tính gộp chi phí vận hành và bảo dưỡng thì con số này tăng lên khoảng 145 triệu USD/năm.
Ngoài ra, một trang trại ở xa sẽ cần đường truyền để dẫn điện tới các khu vực dân sinh. ANS cho biết, một đường dây tải điện cao thế có công suất 12.000 MW kết nối các nguồn điện gió ở khu vực New England trị giá khoảng 19 - 25 tỷ USD.
Trong khi đó, chi phí quy hoạch, thiết kế, cấp phép và xây dựng một nhà máy lọc dầu quy mô vừa (công suất khoảng 250.000 - 500.000 thùng/ngày) chỉ tiêu tốn khoảng 7 - 10 tỷ USD. Trung bình vòng đời của một nhà máy lọc dầu là khoảng 40 năm.
Người ủng hộ năng lượng tái tạo thường chỉ trích nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm, nhưng họ cũng quên rằng các dự án năng lượng tái tạo chưa hẳn đã sạch. Tuabin gió đòi hỏi một lượng lớn thép và bê tông. ArcelorMittal ước tính, một tuabin công suất 1 MW cần 120 - 180 tấn thép.
Mặt khác, sản xuất thép và xi măng là hai lĩnh vực thâm dụng nhiên liệu hóa thạch. Tập đoàn BHP cho biết, để cho ra một tấn thép cần tối thiểu 770 kg than luyện kim và Đại học Colombia ước tính cần hơn 180 kg than để xuất xưởng 1 tấn xi măng.
Chưa kể, việc loại bỏ các vật liệu trong tuabin ở cuối vòng đời của các trang trại điện gió không dễ. Người ta có thể tái chế thép, nhưng không thể với nền bê tông hoặc xử lý các chất thải độc hại trong nacell (chiếc hộp đặt máy phát của tuabin).
Tương tự, các tấm pin mặt trời cũng chứa nhiều hợp chất kim loại nặng độc hại có chì, đồng, selenium, gallium,… Kết quả là, chất thải cuối đời của tấm pin mặt trời nguy hại hơn chất thải hạt nhân, Viện Fraser cảnh báo.
Thế giới vẫn cần nhiên liệu hóa thạch
“Thật nực cười và ngây thơ”, CEO ngân hàng Standard Chartered - Bill Winters từng mỉa mai những người nghĩ rằng hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch có thể tạm dừng ngay lập tức mà không gây ra bất kỳ hậu quả nào.
Nhiên liệu hóa thạch đã cung cấp năng lượng cho nền kinh tế thế giới trong hơn 150 năm qua và hiện chiếm 80% nguồn năng lượng toàn cầu. Năng lượng tái tạo tuy tiềm năng nhưng còn nhiều thiếu sót, do đó thế giới có lẽ vẫn cần nhiên liệu hóa thạch.
Suy cho cùng, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch là một quá trình lâu dài, cần nguồn vốn và nghiên cứu sâu rộng. Chuyển đổi không hẳn là buông tay ngay tức thì với nhiên liệu hóa thạch, mà là sử dụng những nguồn năng lượng này như một chiếc cầu nối.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Keo Lukefahr, trưởng bộ phận kinh doanh năng lượng tại Motiva Enterprises, bình luận: “Chúng ta cần nhiên liệu hóa thạch như một phần của quá trình chuyển đổi. Đây là một quá trình kéo dài, khó thành chỉ trong một sớm một chiều”.