|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thế giới có thể thiếu hụt kỷ lục hơn 3 triệu bao cà phê trong năm 2022

11:55 | 18/04/2022
Chia sẻ
Tổ chức Cà phê Quốc tế cho rằng sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 giảm 2,1% xuống 167,2 triệu bao, trong khi đó, tiêu thụ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Như vậy, trong niên vụ 2021 - 2022 thị trường cà phê thế giới ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục trên 3 triệu bao.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết thị trường cà phê thế giới niên vụ 2021-2022 sẽ ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 3,1 triệu bao do sản lượng của Brazil thấp. Hiện quốc gia này là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, theo sau là Việt Nam. 

Tổ chức này dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 giảm 2,1% xuống 167,2 triệu bao, trong khi đó, tiêu thụ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. 

Tổng lượng cà phê xanh xuất khẩu trong tháng 2 trên toàn cầu hơn 9,8 triệu bao, giảm từ mức 10,24 triệu bao so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 5 tháng đầu niên vụ (tính từ tháng 10/2021) đạt khoảng 47,2 triệu bao, giảm 3% so với cùng thời điểm của niên vụ 2020 - 2021.

ICO cảnh báo cán cân cung - cầu có thể phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế thế giới đi xuống, nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi chi phí trồng, chế biến, vận chuyển cà phê đều tăng do căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Bên cạnh đó, Brazil tiếp tục đối mặt với những vấn đề về thiếu container mặc dù tình hình này đã cải thiện trong những tuần gần đây, ICO cho biết. 

Giá cà phê robusta đang chịu áp lực

Thời điểm hiện tại, hàng loạt thông tin bất lợi đè nặng lên giá cà phê thế giới. Đầu tháng 4, giá cà phê robusta giảm do nguồn cung tăng và áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5.

Theo đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng, trong khi Brazil và Indonesia cũng bắt đầu thu hoạch cà phê robusta vụ mới. Nhu cầu thị trường bị tác động bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine và những vấn đề trong hoạt động logistics. 

Trên sàn giao dịch London, ngày 9/4, giá cà phê robusta giao các kỳ hạn tháng 5, tháng 7 và tháng 11 giảm lần lượt 1,6%, 0,6% xuống mức 2.091 USD/tấn, 2.096 USD/tấn.

Theo số liệu của ICO, xuất khẩu của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới đạt 11,6 triệu bao,  tăng mạnh 19,1%. Mức tăng này một phần là bởi cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp do các vấn đề về logistics, thiếu hụt container, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn cảng biển tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu.

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê của Indonesia tăng 16,5% lên 3,6 triệu bao. Mức tăng này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp cà phê hòa tan. Indonesia đã xuất khẩu 1,1 triệu bao cà phê hòa tan trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay so với 0,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) mới đây đưa ra dự báo giá cà phê robusta trong thời gian tới sẽ còn chịu áp lực giảm giá. 

H.Mĩ