|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

The Asean Post: Sự bùng nổ điện mặt trời tại Việt Nam là bài học đáng giá cho Indonesia

12:20 | 05/09/2019
Chia sẻ
Với sự quan tâm từ chính phủ và cơ quan quản lí, điện mặt trời đang bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam với tổng công suất 4,5 GW (tính đến tháng 6/2019), Indonesia có thể rút ra một số bài học từ thành công của Việt Nam khi kế hoạch phát triển điện mặt trời của nước này đang bị đình trệ.
6PM-SUN-01092019-JT

Ảnh: AFP

Kế hoạch phát triển điện mặt trời của Indonesia đối mặt với nhiều trở ngại

Trong sự kiện Jakarta Car Free Day (ngày không khói xe) tổ chức hôm 28/7, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Ignasius Jonan đã mở một chiến dịch mang tên Phong trào Quốc gia Một triệu Mái nhà Điện mặt trời nhằm đẩy mạnh việc tận dụng năng lượng mặt trời ở nước này.

Chiến dịch nói trên là một nỗ lực nhằm tăng cường hoạt động lắp đặt tấm pin mặt trời như đã ghi trong Kế hoạch Năng lượng Quốc gia Indonesia (RUEN).

Theo The Asean Post, RUEN là kế hoạch nhắm lắp đặt tấm pin mặt trời với tổng công suất 6,5 GW vào năm 2025 và 45 GW vào năm 2050.

Tuy nhiên, vốn là một quốc gia tập hợp nhiều đảo và quần đảo nhỏ, việc lắp đặt tấm pin mặt trời ở Indonesia dường như đang đình trệ trong những năm gần đây, khi mà mới chỉ có 0,1 GW năng lượng điện mặt trời được lắp đặt cho đến nay.

Thực tế này đồng nghĩa rằng Indonesia cần nỗ lực nhiều hơn để bổ sung thêm 6,4 GW năng lượng điện mặt trời trong chỉ trong 6 năm nữa để hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch RUEN. 

Điều này khiến các chuyên gia đang đặt dấu hỏi về khả năng thành công của Indonesia.

Việc lắp đặt pin mặt trời ở Indonesia cũng đang tụt lại phía sau các quốc gia láng giềng khác.

Việt Nam nổi lên như một "tay chơi" đáng nể trong lĩnh vực điện mặt trời

Dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), tính đến tháng 6/2019, hoạt động lắp đặt năng lượng mặt trời trên toàn khu vực ASEAN đã đạt công suất khoảng 9,1 GW, tăng đáng kể từ mức 0,03 GW năm 2010.

Mức tăng trưởng trên là nhờ sự bùng nổ năng lượng điện mặt trời tại Thái Lan (3 GW), Malaysia (0,7 GW), Philippines (0,8 GW) và gần đây là Việt Nam (4,5 GW), với chính phủ các nước này đưa ra nhiều chương trình khuyến khích năng lượng tái tạo.

Năng lượng điện mặt trời đang bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam với tổng công suất 4,5 GW tính đến tháng 6/2019, chỉ hai năm sau khi hệ thống Feed-in Tariff (FiT) ra mắt. FiT là một chương trình trợ giá điện mặt trời.

Từ đó, Việt Nam trở thành nước lắp đặt năng lượng điện mặt trời lớn nhất trong khối ASEAN và đẩy "gã tiên phong" Thái Lan xuống hàng thứ hai.

Indonesia có thể học hỏi kinh nghiệm từ thành công của Việt Nam. 

Cả hai nước giàu dự trữ than đá và vẫn chủ yếu sử dụng nguyên liệu này trong tổ hợp năng lượng quốc gia. Đồng thời, Indonesia và Việt Nam vẫn là các nước đang phát triển, có nhu cầu năng lượng cao để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.

1

Tiến trình lắp đặt tấm pin mặt trời tại khu vực ASEAN, giai đoạn 2010 - 2019. (Ảnh: The Asean Post)

Hơn nữa, hai nước còn có cấu trúc thị trường điện tương tự nhau, với mô hình một người mua duy nhất do nhà nước sở hữu, cụ thể là Công ty Điện lực Nhà nước (PLN) ở Indonesia và Điện lực Việt Nam (EVN) tại Việt Nam.

Indonesia có thể áp dụng thành công của Việt Nam như một tài liệu tham khảo, với 4 điểm chính sau:

Hỗ trợ tài chính, giảm giá điện mặt trời

Năm 2017, Việt Nam đã bắt đầu chương trình hỗ trợ cho năng lượng điện mặt trời với mức giá 0,0935 USD/kWh trong giai đoạn đầu đối với các nhà máy vận hành trước tháng 6/2019.

Mức giá này được thiết lập cao hơn giá bán lẻ điện trung bình (0,0803 USD/kWh), vì vậy góp phần khuyến khích các nhà phát triển năng lượng tái tạo bước chân vào lĩnh vực mới mẻ này và thu hút vốn đầu tư.

Tại Indonesia, việc định giá năng lượng tái tạo, gồm cả năng lượng mặt trời, bị hạn chế bởi biểu giá điện bán lẻ tối đa địa phương, hiện vào khoảng 0,07 USD/kWh cho những khu vực có nhu cầu điện cao như Java.

Điều này không tạo động lực cho ngành điện mặt trời khi mà giá điện mặt trời trong nước tương đương chi phí sản xuất điện từ than đá hoặc các nhiên liệu hóa thạch khác.

Bên cạnh giá bán lẻ cạnh tranh, hỗ trợ từ lĩnh vực tài chính cũng đóng vai trò quan trọng. 

Ở Việt Nam, các ngân hàng và lĩnh vực tài chính rất quan tâm đến các dự án điện mặt trời nên họ sẵn sàng cung cấp khoản vay cho các nhà phát triển điện mặt trời khi mà các dự án này có thể được ngân hàng nhận trả (bankable).

Ngành công nghiệp điện mặt trời hoàn thiện

Có được một ngành công nghiệp điện mặt trời chín muồi để hỗ trợ nhu cầu năng lượng là rất cần thiết. Khi hệ thống FiT ra mắt, Việt Nam đã sở hữu một ngành công nghiệp sản xuất điện mặt trời trời tương đối hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu lớn trong nước.

Năm 2016, Việt Nam là nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ ba châu Á với tổng công suất 5,2 GW/năm, chỉ đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Trước khi FiT có hiệu lực, sản lượng module điện mặt trời được tạo ra chủ yếu là dùng cho xuất khẩu, nhưng với năng lực sản xuất của Việt Nam vào thời điểm đó, thị trường nội địa đã sẵn sàng cho sự ra mắt của hệ thống FiT.

Bằng cách này, các nhà phát triển có thể sử dụng module điện mặt trời nội địa thay vì nhập khẩu vì mang lại nhiều lợi ích kinh tế.

Theo Hiệp hội Sản xuất Pin Năng lượng Mặt trời Indonesia, sản lượng pin năng lượng mặt trời của nước này chỉ đạt công suất 416 MW/năm trong năm.

Do đó, giá mỗi module năng lượng mặt trời nội địa sẽ đắt hơn nhiều so với nhập khẩu. Trong khi đó, Indonesia qui định các dự án năng lượng tái tạo phải sử dụng tối thiểu 40% các sản phẩm địa phương.

EVN tích cực ủng hộ đưa điện mặt trời vào hệ thống tải điện tại Việt Nam

EVN mở cửa chào đón điện mặt trời và năng lượng tái tạo trong hệ thống tải điện, đồng thời họ cũng đang cải thiện khả năng để thích nghi với các công nghệ mới này.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư nhằm tăng tính linh hoạt và năng lực truyền tải của mạng lưới điện là yêu cầu cần có để đảm bảo EVN có thể xử lí tốt tình trạng gián đoạn của năng lượng mặt trời.

EVN xem sự gián đoạn nói trên như một thách thức cần giải quyết hơn là một mối đe dọa, theo đó giúp thúc đẩy cải thiện năng lực truyền phát điện hơn nữa. 

Công ty điện lực cũng nhận thấy nguồn cung năng lượng tái tạo dồi dào hơn sẽ giảm các tác động của tình trạng gián đoạn khi mà các dự án có thể bù đắp cho nhau trong một hệ thống lớn.

Chính phủ Việt Nam nỗ lực đơn giản hóa qui trình cấp phép dự án điện mặt trời

Cuối cùng, đơn giản hóa quy trình cấp phép và hỗ trợ từ chính quyền địa phương cho các dự án điện mặt trời cũng là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho quá trình triển khai điện mặt trời nhanh chóng.

Tại Việt Nam, các nhà chức trách địa phương ở những vùng có tiềm năng điện mặt trời cao đã xây dựng bản đồ qui hoạch điện mặt trời, trong đó xác định những địa điểm có thể cho phép xây dựng điện mặt trời để các nhà phát triển nộp đơn đề xuất dự án.

Các nhà phát triển điện mặt trời không còn phải chịu qui trình xin cấp phép dong dài và ở một số khu vực, chính quyền địa phương thậm chí còn đưa ra nhiều khuyến khích khác bên cạnh chính sách quốc gia, chẳng hạn như ưu đãi về vấn đề cho thuê đất. 

Việc này rút ngắn thời gian thủ tục và tăng thời gian dành cho việc xây dựng.

Theo The Asean Post, bằng cách áp dụng 4 bài học này từ Việt Nam, Indonesia có thể dễ dàng hoàn thành mục tiêu đề ra trong 6 năm.

Yên Khê