Thấy gì từ việc Hoa Sen đánh đổi lợi nhuận lấy doanh thu
Cổ phiếu giảm sâu, nhóm quỹ ngoại Thụy Điển trở thành cổ đông lớn của Hoa Sen | |
Doanh nghiệp thép đối phó thế nào trước nỗi lo Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao? |
Trong quý II của niên độ kế toán 2017-2018 (từ ngày 1/1/2018 đến 31/3/2018), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ghi nhận doanh thu 7.724 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ nhưng cũng không đủ để bù đắp tốc độ gia tăng chóng mặt của các chi phí như giá vốn hàng bán (31%), chi phí lãi vay (69%), chi phí bán hàng (35%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (89%).
Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Ảnh: Hoa Sen Group. |
Do vậy, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen quý vừa qua chỉ đạt gần 87 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản của Hoa Sen tăng 12% so với đầu niên độ (1/10/2017) lên mức 23.974 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ tăng 7% còn nợ phải trả tăng 13% lên mức 18.436 tỷ đồng, chiếm 77% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay ngắn hạn tăng 40% lên 12.646 tỷ đồng, vay dài hạn tăng 11% lên 3.149 tỷ đồng.
Nợ vay nhiều cũng đồng nghĩa với áp lực trả nợ lớn. Tính trong 2 quý đầu niên độ, Hoa Sen nhận về 17.800 tỷ đồng tiền vay thì phải trả lãi 383 tỷ đồng và trả gốc 13.900 tỷ đồng.
Tiếp tục đánh đổi lợi nhuận lấy tăng trưởng do áp lực cạnh tranh
Tình trạng doanh thu và nợ vay tăng trong khi lợi nhuận giảm của Hoa Sen là hệ quả của chiến lược đánh đổi lợi nhuận lấy tăng trưởng doanh thu và mạng lưới phân phối được Tập đoàn này áp dụng từ niên độ 2016-2017.
Cụ thể, mạng lưới phân phối 2017 là năm Hoa Sen tăng mạnh nhất từ trước đến nay, với 121 chi nhánh mở thêm, nâng tổng số chi nhánh lên con số 371. Theo báo cáo tài chính mới công bố, đến 31/3/2018, Hoa Sen có 385 chi nhánh, tăng 14 chi nhánh so với số cuối năm 2017.
Tuy nhiên trong tháng 4 vừa qua, Hoa Sen lại tiếp tục mở thêm 17 chi nhánh nữa. Trong thời gian tới, số lượng chi nhánh của Hoa Sen sẽ tiếp tục tăng mạnh vì mục tiêu của Tập đoàn là đến năm 2020 của Hoa Sen, sẽ có 1.000 - 1.200 chi nhánh/cửa hàng phân phối.
Về doanh thu, trong niên độ 2016-2017, Hoa Sen đạt 26,337 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh so với cùng kỳ và vượt kế hoạch. Song lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 1,332 tỷ đồng, hoàn thành 81% chỉ tiêu.
Niên độ 2017-2018, Hoa Sen dự kiến doanh thu sẽ chạm mốc 30,000 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện niên độ trước, song chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ là 1.,350 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 1%. Kế hoạch lợi nhuận này cũng giảm đáng kể so với kế hoạch 1.650 tỷ đồng niên độ 2016-2017.
Một số chỉ tiêu tài chính của HSG qua các năm. Nguồn: HSG. |
Nhìn vào bảng trên có thể thấy, niên độ tài chính 2016-2017 là thời kỳ mà nợ phải trả của HSG tăng mạnh nhất, gấp đôi so với kỳ trước. Hệ số nợ/Tổng nguồn vốn tăng từ 67% lên 76%, doanh thu tăng mạnh 46% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm, cùng với đó là biên lợi nhuận ròng giảm từ 8,4% xuống còn 5,1%.
Trong 2 quý đầu tiên của niên độ này (1/10/2017 – 31/3/2018), Hoa Sen đã thực hiện được trên 50% kế hoạch doanh thu cả năm nhưng lợi nhuận mới đạt 31%. Biên lợi nhuận ròng tiếp tục giảm từ 5,1% xuống còn 2,7%.
Đây được coi là chiến lược của Hoa Sen nhằm đáp trả sự cạnh tranh đến từ các đối thủ mạnh như CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) và CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).
Giai đoạn 2016 – 2017, Nam Kim đã liên tục tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu với tổng giá trị phát hành 1.234 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án CTCP Nam Kim Corea, nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ giai đoạn 1 và 2, dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ - Bà Rịa Vũng Tàu. Trong đó Nam Kim Corea dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2018 với công suất 80.000 tấn/năm.
Với Tập đoàn Hòa Phát, năm 2016, tập đoàn này bắt đầu tham gia vào thị trường tôn mạ bằng việc đầu tư 4.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên với công suất tối đa 400.000 tấn/năm.
Ngày 19/4 vừa qua, nhà máy này đã đưa sản phẩm tôn mạ màu đầu tiên ra thị trường. Sau ít ngày ra mắt, Hòa Phát đã nhận đơn đặt hàng với tổng khối lượng trên 2.000 tấn, qua đó cạnh tranh trực tiếp với mặt hàng tôn mạ của Hoa Sen.
Sản phầm tôn mạ màu đầu tiên của nhà máy Hòa Phát tại Hưng Yên. Ảnh: website Hòa Phát. |
Trong 19 phiên giao dịch của tháng 4, HSG có 1 phiên đứng giá, 4 phiên tăng và 14 phiên giảm. Tính chung trong tháng 4, cổ phiếu HSG đã giảm khoảng 27% giá trị.
Diễn biến cổ phiếu HSG trong tháng 4/2018. Nguồn: VNDirect. |