|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thấy gì từ những nước cờ M&A của đại gia Việt từ đầu năm nay?

07:15 | 03/11/2017
Chia sẻ
Các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Thế giới di động, Novaland… tạo nên sự sôi động cho sân chơi M&A trong 10 tháng vừa qua. Doanh nghiệp trong nước ngày càng khẳng định vị thế của mình với vai trò là “người mua”, vốn trước kia được cho là vị trí của nhà đầu tư ngoại. 
thay gi tu nhung nuoc co ma cua dai gia viet tu dau nam nay

Thế giới Di động mua lại Trần Anh và “kê toa” bán thuốc

Với mức ngân sách 2.500 tỷ đồng được cổ đông duyệt chi, gấp 5 lần so với con số mà đại hội thường niên 2017 thông qua, Cổ đông Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) không giấu tham vọng M&A với các công ty bán lẻ, trong đó gồm có hệ thống điện máy Trần Anh, chuỗi dược phẩm.

Đầu tiên, lí giải về việc lựa chọn Trần Anh, Thế Giới Di Động sẽ chiếm lĩnh thị trường phía Bắc nhanh hơn trước sự cạnh tranh gay gắt của nhiều đối thủ.

Tổng hệ thống hiện có hơn 1.500 cửa hàng bao gồm cả Điện Máy Xanh, phân bố tại hầu hết tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, mức độ phủ sóng của các cửa hàng có khác biệt rõ rệt giữa khu vực miền Nam và miền Bắc.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), thị phần của Thế giới di động ở Hà Nội khoảng 30% đối với chuỗi Thegioididong và 15% cho chuỗi Điện máy xanh, đặt công ty ngang bằng với FPT shop ở thị trường di động, hay Trần Anh và Media Mart về điện máy.

Việc sát nhập với Trần Anh là con đường nhanh nhất giúp Thế giới di động mở rộng thị trần phía Bắc, với tổng số siêu thị của Trần Anh từ 43-45 ở khu vực miền Bắc trong năm 2017.

thay gi tu nhung nuoc co ma cua dai gia viet tu dau nam nay

Thế giới di động mua lại Trần Anh và “kê toa” bán thuốc? (Ảnh: Zing).

Bên cạnh đó, Thế giới di động thử sức trong lĩnh vực mới, dược phẩm.

Công ty rao tuyển dược sĩ chuyên môn trong tháng 10 vừa qua cho thấy bước đầu tiên hiện thực hóa kế hoạch tham gia và mở rộng thị trường bán lẻ dược phẩm của MWG.

Tổ chức BMI ước tính doanh số thị trường dược Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD năm 2016, dự báo 7,27 tỷ USD vào năm 2019. Kênh phân phối chính là hệ thống các bệnh viện dưới hình thuốc được kê đơn (ETC) chiếm trên 70%.

Thị trường Việt Nam phân mảnh, còn có ít chuỗi bán lẻ tên tuổi đứng ra phân phối mặt hàng dược phẩm đặc thù này. Chưa có chuỗi cửa hàng nào vượt hơn con số 100 nhà thuốc và chiếm được tối đa 20% thị phần. Đứng đầu thị trường dược phẩm hiện nay là Phano Pharmacy với 49 cửa hàng nhưng mới chỉ có mặt từ khu vực miền Trung trở vào. Pharmacit, Phúc An Khang hay Vista Pharmacy cũng chỉ có hệ thống cửa hàng tập trung tại khu vực miền Nam.

Miếng bánh trị giá 4,7 tỷ USD của thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm hấp dẫn và có rất nhiều tiềm năng.

Về Phúc An Khang, công ty được cho là Thế giới Di động "chọn mặt gửi vàng" để mua lại, có nhà sáng lập xuất thân là dược sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch của Phúc An Khang, từng là đồng sáng lập tại Phano Pharmcay. Hiện Phúc An Khang có 17 nhà thuốc trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Nhìn lại tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm của Thế giới Di động, công ty đạt 1.635 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm 2016 và thực hiện 74% kế hoạch năm. Trong đó, Điện Máy Xanh tiếp tục là nhân tố chính trong tăng trưởng của MWG doanh thu 20.664 tỷ đồng, tăng 197% (chiếm gần 80% doanh thu của chuỗi Thegioididong.com). Trong khi cửa hàng thegioididong.com chỉ tăng khoảng 21%.

Theo xu hướng chung, việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để duy trì tốc độ tăng trưởng cao là điều cần thiết. Vì thế, việc đa dạng hóa kinh doanh sang mảng kinh doanh chuỗi cửa hàng dược phẩm dù sẽ có nhiều khó khăn nhưng có thể sẽ mang lại cho Thế giới di động điểm sáng mới.

Vinamilk khẳng định vị thế ở thị trường trong và ngoài nước

thay gi tu nhung nuoc co ma cua dai gia viet tu dau nam nay

Trong tháng 10 vừa qua, của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) có 3 thương vụ thâu tóm doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đầu tiên là nhà máy sữa của Campuchia, Angkor Daily Products. Trước đây, Vinamilk đã nắm giữ 51% cổ phần của công ty này. Cho đến ngày 23/3/2017, Vinamilk đã rót thêm gần 11 triệu USD mua trọn phần vốn góp của đối tác, nâng tổng số vốn đầu tư tại Angkormilk từ 10,21 triệu lên gần 21 triệu USD và nắm giữ toàn bộ nhà máy sữa này.

Tháng 9/2017, Công ty đã tiến hành ký kết hợp đồng mua lại 3,89% vốn chủ sở hữu còn lại của Công ty TNHH Một thành viên Bò Sữa Thống Nhất Thanh Hoá, hoạt động chính là sản xuất chăn nuôi gia súc. Ngày 21/10, Công ty đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu.

Đến 23/10, Vinamilk ban hành Nghị quyết đầu tư nắm giữ 65% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hoà (KSC).

Vinamilk đang cho thấy quyết tâm trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ và chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cung cấp để giữ vững thị trường trước sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài và những cái tên nổi lên thị trường trong nước như: TH true Milk, IDP…

Thị trường sữa với nhiều đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài và trong nước, tuy nhiên sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra trong phân khúc nhóm nhãn hiệu sữa tươi. Theo dữ liệu mới nhất của Nielsen (thông qua Dịch vụ đo lường Bán lẻ cho Ngành hàng Sữa nước từ tháng 1/2015 đến tháng 7/2017 cho phân khúc Sữa tươi trong ngành hàng Sữa nước trên thị trường Việt Nam).

Novaland và hàng loạt thương vụ nuốt chửng công ty khác

thay gi tu nhung nuoc co ma cua dai gia viet tu dau nam nay
Tập đoàn Novaland hiện là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại khu vực TP HCM

Tập đoàn Novaland hiện là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại khu vực TP HCM với những dự án tập trung vào phân khúc khách hàng trung và cao cấp. Chiến lược của Novaland là phát triển quỹ đất và tìm kiếm lợi nhuận thông qua các thương vụ M&A. “Ông lớn” đã này mua lại nhiều khu đất vàng tại các quận trung tâm của TP, trong đó nhiều dự án từ chỗ đắp chiếu nay đã được hồi sinh.

Cuối tháng 2/2017, Novaland chi 213 tỷ đồng mua 99,99% Công ty Bách Hợp.

Sang tháng 3/2017, Tập đoàn hoàn tất mua 83,45% Công ty Cảng Phú Định với giá trị 1.527 tỷ đồng. Cảng Phú Định IPO hồi năm 2014, trước đây là Công ty TNHH MTV Cảng sông TPHCM (Casoco).

Tháng 4/2017, Novaland mua tiếp 98,02% công ty Sài Gòn Gôn, giá trị thương vụ 1.423 tỷ đồng. Công ty này thành lập năm 2007, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn; xây dựng biệt thự cho thuê và các công trình dịch vụ kinh doanh. Trước khi bị Novaland thâu tóm, Sài Gòn Gôn có 50% vốn góp từ nhà nước và hai cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Công ty Dịch vụ Du lịch Thủ Đức. Ngoài ra, cổ đông nước ngoài British Virgin Islands cũng nắm giữ 20% vốn Sài Gòn Gôn.

Cũng trong tháng 4, Novaland mua 99,99% Công ty Gia Đức với tổng giá phí 1.939 tỷ đồng. Thương vụ từng gây xôn xao khi bên bán là 2 doanh nhân còn rất trẻ, cùng sinh năm 1988. Novaland cho biết, Công ty Gia Đức đang sở hữu vốn góp tương đương với 19% trong dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng (tên pháp lý là khu đô thị quốc tế mới Đa Phước). Mục tiêu thương vụ là tiền đề để Novaland tăng sở hữu tại The Sunrise Bay, dự án có quy mô 181 ha tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Vào tháng 8 Novaland hoàn tất mua 99,96% Công ty Gia Phú với tổng giá phí là 1.812 tỷ đồng.

Tổng cộng, giá trị của 5 công ty mà Novaland thâu tóm trong 10 tháng đầu năm nay lên tới hơn 6.900 tỷ đồng.

REE cơ điện lạnh mua 100% Tín Hiệu Xanh

thay gi tu nhung nuoc co ma cua dai gia viet tu dau nam nay
REE cơ điện lạnh mua lại 100% tín hiệu xanh.

Chi hàng ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực điện, nước, REE xác định sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A để mang về nguồn lợi nhuận.

Trong tháng 8, REE hoàn tất mua 100% vốn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Tín Hiệu Xanh (THX) với giá 501 tỷ đồng. Mục đích của REE là để thực hiện kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng điện và nước.

Trước đó giữa tháng 3, REE bỏ ra hơn 135 tỉ đồng để mua thêm 6,16 triệu cổ phiếu CHP, nâng sở hữu tại Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung lên 23,89 triệu cổ phiếu, tương ứng 18,96% vốn điều lệ.

Số tiền mà RRE bỏ ra để M&A các công ty trong nửa đầu năm đã gần bằng cả năm 2016. Năm ngoái được xem là thành công lớn của REE khi liên tục thâu tóm hàng loạt công ty ở cả 4 lĩnh vực mũi nhọn của mình.

Có thể thấy được sự nỗ lực của doanh nghiệp trong nước trong việc tham gia và tạo sự chuyển biến đối với thị trường M&A. Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện nay, M&A vẫn là sân chơi chính với các nhà đầu tư ngoại.

Theo báo cáo Thị trường M&A Việt Nam của nhóm nghiên cứu MAF, đa số các thương vụ có quy mô lớn (>20 triệu USD) gần như đều có mặt của bên mua hoặc bên bán là nhà đầu tư ngoại. Các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm 77% về tổng giá trị M&A tại thị trường Việt nam.

Hai năm tới, M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng được kỳ vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam.

Quỳnh Trang