|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE liên tục về dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng/phiên, chuyên gia lý giải nguyên nhân dòng tiền suy yếu

16:52 | 02/01/2023
Chia sẻ
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cho rằng thanh khoản cuối năm thường gặp nhiều khó khăn hơn. Vào thời điểm cuối năm, các công ty chứng khoán cũng như ngân hàng thường phải đưa hết các tỷ lệ về ngưỡng an toàn, do vậy cũng khó để hy vọng có mức độ thanh khoản tốt ở thời điểm này.

BTV Hoàng Nam, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Ngoại thươngông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI trong chương trình "Bí mật đồng tiền". (Ảnh chụp màn hình).

Thị trường trải qua tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 với diễn biến thanh khoản suy yếu. Thị trường diễn ra ảm đạm, sau phiên đầu tuần giảm mạnh hơn 35 điểm, VN-Index đã có diễn biến phục hồi tuy nhiên đà hồi phục đã dừng bước tại 1.020. VN-Index đã giảm trở lại trong hai phiên cuối tuần và chốt tuần tại mốc 1.007,09. So với tuần trước, VN-Index giảm 8,57 điểm, tương đương 0,84%.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 9.171 tỷ đồng, giảm 34,4% so với tuần trước đó và hụt 38,2% so với trung bình 5 tuần gần đây. Liên tiếp những phiên giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng, cho thấy sự co cụm phòng thủ của dòng tiền thời điểm cuối năm

 (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Theo BTV Hoàng Nam, khoảng nửa năm về trước, nhà đầu tư muốn khớp lệnh một vài triệu cổ phiếu ngân hàng rất dễ dàng. Tuy nhiên, với diễn biến thanh khoản hiện nay để đặt một lệnh bán phải trải dài một vài mức giá mới có thể đi hết được một lệnh. Điều này cho thấy bài toán thanh khoản cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với những dòng tiền lớn.

Chia sẻ về dòng tiền trong chương trình “Bí mật đồng tiền”, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cho rằng thanh khoản cuối năm thường gặp nhiều khó khăn hơn.

Ở thời điểm gần đây nhìn vào thanh khoản trên hệ thống các ngân hàng đã đỡ đi phần nào sau các tuyên bố hỗ trợ thanh khoản từ nay đến Tết của Ngân hàng nhà nước, thậm chí tuần trước thanh khoản trên hệ thống khá tốt và mức lãi suất vay qua đêm xuống chỉ khoảng 3,5%, một mức khá thấp so với thời điểm trước.

Ông Hưng đánh giá thanh khoản nói chung với nền kinh tế, với cả hệ thống thì khá ổn. Còn đối với thị trường chứng khoán thì thời điểm này thanh khoản đang khá thấp so với trước, mặc dù thời điểm vừa qua thị trường hồi phục và cũng cho thấy sự hồi phục phần nào của thanh khoản. Vào thời điểm cuối năm, các công ty chứng khoán cũng như ngân hàng thường phải đưa hết các tỷ lệ về ngưỡng an toàn, do vậy cũng khó để hy vọng có mức độ thanh khoản tốt ở thời điểm này.

Đồng quan điểm với Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Ngoại thương cho rằng vấn đề lớn nhất vào cuối năm là tiền, động cơ lớn nhất trên thị trường chứng khoán là làm sao để có tiền.

Đối với nhóm nhà đầu tư cá nhân, có thể họ cần chốt lợi nhuận để có dòng tiền nhất định phục vụ cho kỳ nghỉ Tết sắp tới. Đối với các doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cuối năm cần dòng tiền để trả lương, thưởng, nhập nguyên vật liệu đầu vào cho năm tiếp theo.

Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước lại chỉ ra tăng trưởng cung tiền trong năm nay là thấp nhất lịch sử, đồng nghĩa với việc chúng ta không có tiền bơm vào.

“Có thể hình dung nhà đầu tư như những chú cá trong bể nước, mà cá cần nhiều nước để bơi. Khi có càng nhiều nước, cá có thể tự mình quẫy đạp để tạo ra những con sóng. Với thị trường chứng khoán, cung tiền không có và nhà đầu tư chưa nhìn thấy nhiều tín hiệu cho điều này.”

Chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư phải thật cẩn trọng với các quyết định gia nhập hay rút khỏi thị trường tại thời điểm cuối năm bởi tâm lý đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến giao dịch. Thị trường giao dịch lình xình thời gian gần đây là hoàn toàn có thể nhận biết.

Theo giới chuyên gia mặc dù nền kinh tế năm 2023 không được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ấn tượng như năm 2022 nhưng thị trường chứng khoán lại có thể hồi phục bởi nguồn tiền đẩy vào thị trường sẽ tốt hơn khi nhiều yếu tố được hỗ trợ.

Một số yếu tố được kỳ vọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong năm tới, điển hình như chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng đi kèm Nghị định được ban hành, sửa đổi giúp tháo gỡ nút thắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều quan điểm cho rằng Ngân hàng nhà nước sẽ quay trở lại mua ngoại tệ để cung ứng lượng tiền mặt ra lưu thông …

Thu Thảo