Top10 tăng/giảm giá quý IV/2022: Cổ phiếu bất động sản chiếm sóng top giảm mạnh trên HOSE và HNX
Trên sàn HOSE, những cổ phiếu trên bảng xếp hạng tăng giá đều có tỉ lệ tăng trên 17%. Cổ phiếu STG của CTCP Kho vận Miền Nam dẫn đầu bảng xếp hạng khi tăng giá 48,7%, đóng cửa quý IV/2022 ở 40.000 đồng/cp. Quan sát giao dịch cổ phiếu này trong quý IV, STG có chuỗi phiên tăng liên tiếp dài nhất là 4 phiên, số phiên tăng kịch trần trong quý là 6 phiên. Hai cổ phiếu khác là CTF (42,73%) của CTCP City Auto và PDN (27,09%) của CTCP Cảng Đồng Nai xếp thứ hai và thứ 3 trên HOSE về mức tăng trong quý.
Nhóm Hàng tiêu dùng gây ấn tượng trong quý IV khi có hai đại diện góp mặt trong bảng xếp hạng là VTB (26,05%) của CTCP Viettronics Tân Bình và TCM (22,69%) của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công. Top10 mã tăng giá mạnh nhất còn có ITD (25,26%), L10 (24,69%), VIP (24,26%), OPC (18,03%) và OCB (17,65%).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings đứng đầu bảng xếp hạng giảm giá với tỷ lệ 85,40%. Quan sát giao dịch cổ phiếu này trong quý, IBC có chuỗi phiên giảm liên tiếp dài nhất là 26 phiên, tổng số phiên giảm chạm đáy là 27 phiên. Một đại diện khác của nhóm Dịch vụ là YEG (53,11%) của CTCP Tập đoàn Yeah1.
Nhóm Bất động sản và xây dựng giảm mạnh trong quý khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này giảm mạnh, đặc biệt có một số cổ phiếu mất giá hơn 70% như NVL (83,51%) của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, HPX (82,1%) của CTCP Đầu tư Hải Phát, PDR (73,39%) của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt; một số cổ phiếu còn lại như LEC (61,92%), HTN (54,8%), DXS (53,49%), DIG (51,85%).
Trên sàn HNX, nhóm Dịch vụ có đại diện dẫn đầu chiều tăng, nhóm Công nghiệp gây nhiều chú ý, mặt khác, Bất động sản và xây dựng tiếp tục được gọi tên ở chiều giảm giá.
Cổ phiếu SGH của CTCP Khách sạn Sài Gòn chiếm vị trí top1 với tỉ lệ tăng 83,95%. Quan sát giao dịch cổ phiếu này trong quý, mặc dù sở hữu tỉ lệ tăng ấn tượng nhưng SGH mới đang hoạt động mạnh mẽ từ giữa tháng 12. Một cổ phiếu khác thuộc nhóm Dịch vụ là BDB (38,46%) của CTCP Sách và Thiết bị Bình Định.
Nhóm Công nghiệp hút tiền trong quý khi có nhiều đại diện góp mặt trong bảng xếp hạng như PRC (64,06%), VMS (51,26%), TSB (47,83%), KST (42,11%) và TJC (41,03%). Bảng xếp hạng top10 tăng giá còn có NAG (41,07%), INC (35,80%), L43 (32,50%).
Ở chiều giảm giá, cổ phiếu NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi dẫn đầu khi giảm 68,61% giá trị. Những cổ phiếu khác cũng thuộc nhóm Bất động sản và xây dựng là TKC (68,42%), KKC (57,59%), LUT (57,50%), VC2 (54,59%) và TTZ (48,57%). Top10 giảm sâu trên HNX còn có TC6 (54,35%), TAR (52,40%), PBP (51,59) và VKC (48,48%).
Trên thị trường UPCoM, nhiều cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá mạnh, tỷ lệ tăng giá của các cổ phiếu trên bảng xếp hạng đều trên 100%. Cổ phiếu SJC của CTCP Sông Đà 1.01 dẫn đầu bảng xếp hạng khi thị giá đẩy từ 3.500 đồng/cp lên 17.900 đồng/cp tương ứng mức tăng 411,43%. Quan sát giao dịch cổ phiếu này cho thấy SJC không có phiên giảm giá trong quý, đồng thời số phiên tăng giá kịch trần là 11 phiên.
Những cổ phiếu cùng thuộc nhóm Bất động sản và xây dựng với SJC cũng ghi nhận đà tăng mạnh là LAI (148,39%) của CTCP Đầu tư xây dựng Long An IDICO và HFB (141,38%) của CTCP Công trình Cầu phà TP HCM.
Nhóm Dịch vụ và Hàng tiêu dùng gây sự chú ý trong quý khi mỗi nhóm đều có ít nhất hai đại diện góp mặt trong bảng xếp hạng tăng giá. Cụ thể, BMD (179,63%), LAW (166,67%) của nhóm Dịch vụ và DM7 (126,32%), BMG (111,97%) của nhóm Hàng tiêu dùng.
Bảng xếp hạng top10 mã tăng giá mạnh nhất trên thị trường UPCoM còn có HEM (144,34%), MTG (117,07%) và SQC (111,86%).
Ở chiều giảm giá, các cổ phiếu trên bảng xếp hạng đều có tỉ lệ giảm từ 58 – 76% như SHX (75,83%), TVP (73,23%), CFV (72,56%), YBC (64,49%), S27 (63,83%), CH5 (61,00%), MPC (59,91%), SDJ (59,21%), CAD (58,82%) và THW (58,25%).