|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân tiếp tục bán ròng gần 13.500 tỷ đồng trong tháng cuối năm, tập trung xả STB, HPG, VHM đối ứng lực cầu ngoại

14:30 | 01/01/2023
Chia sẻ
Trong tháng 12, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 13.483 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng khớp lệnh là 14.516 tỷ đồng.

Sau nỗ lực phục hồi mạnh mẽ trong tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 12. VN-Index liên tục rung lắc mạnh, có thời điểm chỉ số rơi về vùng giá thấp nhất quanh khu vực 985 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu sau đó đã kéo VN-Index trở lại mốc 1.007,09 vào phiên 30/12, kết thúc tháng với mức giảm 3,94%, tương đương giảm 41,33 điểm. Điểm sáng là chỉ số vẫn giữ vững mốc 1.000 điểm nhờ dòng tiền lớn đẩy thanh khoản tăng hơn 22% so với tháng trước. HNX-Index giảm nhẹ hơn với 1,67%, UPCoM-Index là chỉ số duy nhất tăng điểm với tỷ lệ 1,1%.

Trong tháng cuối năm, rổ VN30 thường xuyên là tác nhân chính khiến thị trường đỏ lửa, VN30-Index theo đó có hiệu suất kém hơn với tỷ lệ giảm lên tới 4,2%, kết thúc năm 2022 ở mốc 1.005,19 điểm. 3 cổ phiếu họ Vingroup đều nằm trong top ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index, với tổng mức đóng góp giảm gần 22,4 điểm.

Trong khi đó, chiều nâng đỡ chủ yếu gọi tên nhóm ngân hàng với VPB, EIB, STB, OCB, LPB nhưng mức ảnh hưởng không đáng kể.

Thị trường không giảm quá sâu có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có tiếp tục tháng mua ròng mạnh sau tháng 11 giải ngân kỷ lục. Cụ thể,NĐT nước ngoài mua ròng 12.834 tỷ đồng trong tháng 12, đánh dấu quy mô giải ngân lớn thứ 4 trong lịch sử. 

Giao dịch ngược chiều với khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 13.483 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng khớp lệnh là 14.516 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Dòng tiền cá nhân rút ròng 17/18 nhóm ngành trong tháng 12

Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 17/18 nhóm ngành bị bán ròng, duy nhất cổ phiếu truyền thông được mua ròng. Xu hướng này kéo dài từ tháng 11 qua tháng 12.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới 3.639 tỷ đồng.

Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu nhà băng có một tháng giao dịch phân hóa với mức tăng toàn ngành là 0,49% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành giảm từ 21,38% xuống 20,52% toàn thị trường, chỉ xếp sau nhóm cổ phiếu địa ốc với 24,15%.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 2.223 tỷ đồng ở nhóm bất động sản, trước khi rút ròng cổ phiếu dịch vụ tài chính (2.089 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (1.696 tỷ đồng), hóa chất (1.162 tỷ đồng), bán lẻ (754 tỷ đồng), dầu khí (616 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Nhóm ngân hàng chiếm sóng ở cả hai chiều mua – bán ròng

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện STB của ngành ngân hàng với 1.600,7 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu thuộc top 4 ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index với mức đóng góp là 1,42 điểm. Giao dịch của các cá nhân trong nước đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của STB, HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng bị bán ròng với giá trị 1.514,7 tỷ đồng.

Tương tự, một số cổ phiếu tài chính, ngân hàng khác cũng nằm trong top bán ròng, như SSI, CTG, VND, VPB với giá trị 462 – 792 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như DGC (720,5 tỷ đồng), MWG (473,8 tỷ đồng), PVD (451 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TPB của TPBank vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tháng qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 868,2 tỷ đồng cổ phiếu TPB, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (888,3 tỷ đồng).

Ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu TPB là mã giảm sâu nhất năm qua khi thị giá bốc hơi gần một nửa, từ 41.050 đồng/cp xuống 21.400 đồng/cp.

Một cổ phiếu ngân hàng khác cũng nằm trong top mua ròng là HDB của HDBank. Như vậy, cổ phiếu của các nhà băng “chiếm sóng” ở cả hai chiều mua bán ròng.

Cùng chiều, cổ phiếu PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng được mua ròng 574,4 tỷ đồng. Sau đợt điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử niêm yết với hàng chục phiên giảm sàn không có thanh khoản trong tháng 11, cổ phiếu PDR có nhịp hồi phục lên 16.600 đồng/cp, trước khi điều chỉnh về vùng 13.600 đồng/cp như hiện tại.

Tính chung cả năm 2022, PDR là một trong hai mã vốn hóa lớn duy nhất (cùng với NVL) lọt Top50 mã giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán khi đánh mất 81% thị giá sau một năm.

Tương tự một số cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong danh mục mua ròng như NVL (422,7 tỷ đồng), SZC (96,8 tỷ đồng). Danh mục giải ngân của cá nhân trong nước còn gọi tên VNM (125,4 tỷ đồng), GAS (63,3 tỷ đồng), VSC (38,3 tỷ đồng), …

Linh Chi