Thặng dư thương mại Trung Quốc tháng 4 tăng dù xuất nhập khẩu thấp hơn dự báo
Thặng dư thương mại của Trung Quốc nới rộng trong tháng 4. |
Tổng cục hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu tăng 8% so với mức 16,4% của tháng 3. Dự báo của các nhà kinh tế học do tờ Wall Street Journald thăm do trước đó cho biết sẽ tăng 10%.
Nhập khẩu tăng 11,9%, cũng thấp hơn dự báo, sau khi tăng 20,3% trong tháng 3. Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng từ 23,93 tỷ USD của tháng trước lên 38,05 tỷ USD.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, từ buổi gặp mặt giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida hồi đầu tháng 4, căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia đã hạ nhiệt, giảm khả năng Mỹ áp thuế suất cao lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.
“Nhìn chung, xuất khẩu của Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng, nhưng vẫn ổn. Nhu cầu quốc tế sẽ tốt hơn so với năm ngoái, những có vẻ sẽ đi xuống cho đến hết năm nay”, nhà kinh tế học Larry Hu của công ty Macquarie Group nhận định.
Báo cáo xuất khẩu của Trung Quốc hồi tháng 3 tốt hơn rất nhiều so với số liệu của tháng 4, khi các chuyến tàu bị trì hoãn vì kỳ nghỉ tết Nguyên đán đợt tháng 1 – 2 hoạt động trở lại.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trong năm nay sau khi phát triển chậm chạp vì thương mại của Hàn Quốc và Đài Loan hồi phục. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật đều tăng từ 7% - 11% so với năm ngoái trong bốn tháng đầu năm 2017, tính theo đơn vị USD.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học đặt ra câu hỏi là xuất khẩu của Trung Quốc còn có thể tăng thêm bao nhiêu nữa khi các bằng chứng cho thấy nhu cầu ở các nước phát triển đang yếu đi. Chỉ số quản trị mua hàng sản xuất công nghiệp của viện Quản lý cung ứng và chỉ số niềm tin kinh doanh của viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) giảm trong tháng trước. Trong khi đó, tăng trưởng trong quý đầu tiên của nền kinh tế Mỹ ở tốc dộ chậm nhất trong 3 năm vì người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu.
“Đây có thể là tín hiệu sớm cho sự thụt lùi của phục hồi thương mại toàn cầu. Thương mại sẽ tiếp tục cải thiện trong năm nay nhưng sẽ không như mọi người kỳ vọng. Tôi nghĩ đây là điều tốt nhất mà nó đạt được”, chuyên gia phân tích Amy Yuan Zhuang của ngân hàng Nordea cho biết.
Tuy nhiên, với tốc độ đi xuống, xuất khẩu vẫn được dự báo sẽ đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm này vì nhu cầu về sản phẩm công nghệ tăng nhanh ở Mỹ và châu Âu. Điều này trái ngược với năm ngoái, khi xuất khẩu đã kéo giảm 0,5% trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Giá nguyên liệu thô lên cao trong quý đầu tiên khiến các công ty nâng giá, kết quả là họ bị mất một số đơn đặt hàng. Tuy nhiên, ông Cai Qihua, giám đốc của Grandware, nói rằng tình hình chính trị dường như có cải thiện. “Xuất khẩu nên tiếp tục tăng trưởng bền vững trong năm nay”, ông nói. Ông cho biết thêm ông nhận thấy lời đe dọa mà ông Trump đề cập trước đó về khả năng áp thuế suất nhập khẩu cao hơn cho hàng hóa Trung Quốc là không cao.
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 4, một phần vì giá quặng sắt, dầu và than giảm trong những tuần gần đây kéo giá hàng hóa đi xuống. Các nhà kinh tế học hy vọng nhập khẩu nguyên liệu thô tiếp tục giảm trong bối cảnh có khả năng thị trường gia dụng của Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm nay.
Trung Quốc duy trì là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới năm 2016 lần thứ 8 liên tiếp, chiếm 13% tổng khối lượng xuất khẩu toàn cầu, kể cả khi xuất khẩu không còn là nhân tố quá quan trọng trong tăng trưởng của quốc gia này. Xuất khẩu đóng góp 18% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái, giảm so với mức kỷ lục 32% của năm 2006.