|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng lớn của ông chủ chuỗi cà phê mới xuất hiện ở Việt Nam Cafe Amazon

15:30 | 12/04/2021
Chia sẻ
Hiện mới chỉ đang có 5 điểm bán ở Việt Nam song Cafe Amazon đã có hơn 3.000 cửa hàng trên toàn cầu, tính cả quê nhà Thái Lan.

Bà Jiraporn Kaosawad, CEO PTT Oil and Retail Business (PTTOR), đang chuẩn bị cho kế hoạch triển khai hàng nghìn cửa hàng cà phê cả ở quê nhà Thái Lan và trên các thị trường quốc tế. Mặc dù là một ông lớn ngành nhiên liệu ở Thái Lan, PTTOR cũng là chủ thương hiệu chuỗi cà phê Cafe Amazon, thương hiệu mới đặt chân vào Việt Nam vào cuối năm 2020.

Tham vọng lớn của chuỗi cà phê mới xuất hiện ở Việt Nam Cafe Amazon - Ảnh 1.

Một cửa hàng Cafe Amazon tại Sân bay Jewel Changi, Singapore. (Ảnh: Reuters)

Amazon Coffee, hiện là chuỗi cà phê lớn nhất Thái Lan, là mắt xích quan trọng trong chiến lược của PTTOR trong việc giải quyết vấn đề mà nhiều "ông lớn" ngành xăng dầu khác cũng đang đối mặt: làm sao để tối đa hoá lợi nhuận từ mạng lưới cung cấp nhiên liệu trong lúc tài xế đợi những chiếc xe điện của mình sạc đầy trong tương lai không xa.

"Sạc xe điện có thể mất khoảng 20 phút trong khi bạn có thể ăn trưa hoặc mua gì đó ở trạm phục vụ", bà Jiraporn Kaosawad nói với Reuters. Ngành xe điện của Thái Lan đang nhận được nhiều sự hậu thuẫn và khuyến khích của chính phủ nước này để phát triển.

PTTOR hiện có khoảng 2.000 trạm xăng ở Thái Lan và sẽ bổ sung thêm khoảng 500 trạm nữa vào thời điểm năm 2025. Hãng đồng thời mong muốn tăng số lượng trạm xăng có phục vụ xe điện lên mức 300 vào năm 2022 từ con số 30 như hiện tại. Chính phủ Thái Lan đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp để có 1,05 triệu xe điện trên đường vào năm 2025, tăng lên từ con số hiện tại là 200.000.

Hiện tại, 90% doanh thu của PTTOR vẫn phụ thuộc vào mảng xăng dầu. Dù có tiềm lực tài chính và sự hậu thuẫn của chính phủ,  PTTOR sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi thực hiện tham vọng mở rộng các thị trường quốc tế.

"PTTOR có lợi thế cạnh tranh trong mảng bán lẻ tại Thái Lan. Lợi thế này tất nhiên sẽ giảm đi đáng kể khi PTTOR triển khai kinh doanh ở nước ngoài", ông Kaushal Ladha, một nhà phân tích của Maybank Kim Eng, nhận định.

Không chỉ dừng lại ở xăng dầu

Bà Jiraporn Kaosawad nói rằng PTTOR đang có kế hoạch đầu tư 74 triệu baht (2,39 tỷ USD) trong 5 năm tới để mở rộng mảng kinh doanh, phần lớn trong số này sẽ dành cho mảng kinh doanh ngoài xăng dầu. Năm ngoái, mảng kinh doanh ngoài xăng dầu mang lại biên lợi nhuận hoạt động gần 20%, cao hơn rất nhiều so với biên 1% - 2% của ngành xăng dầu.

"Khoản đầu tư sẽ được thực hiện mạnh mẽ trong 2 năm đầu", bà nói, với 65% dành cho mảng kinh doanh không liên quan đến xăng dầu, mở rộng ra nước ngoài và các dự án mới.

Hiện tại, cà phê, cụ thể là chuỗi Cafe Amazon, là mảng kinh doanh ngoài xăng dầu nổi tiếng nhất của PTTOR.

Khởi đầu từ năm 2002, Cafe Amazon ban đầu chuyên bán cà phê, bánh quy và một số món hàng khác cho tài xế xe máy ở các trạm tiếp xăng, dầu. Hiện tại, Cafe Amazon hoạt động giống mô hình của Starbucks khi xuất hiện trong trung tâm thương mại cũng như các cửa hàng độc lập. Lúc này, mạng lưới của Cafe Amazon đã mở rộng ra 3.000 cửa hàng ở nhiều quốc gia như Campuchia, Lào, Nhật Bản, Oman, Trung Quốc và Việt Nam.

Âm thầm xuất hiện ở Việt Nam từ hồi cuối năm ngoài, Cafe Amazon đang có 5 cửa hàng đặt tại TP HCM, Mỹ Tho, Bến Tre và Trà Vinh. Tuy nhiên, mới đây, "ông lớn" này cũng không ngần ngại khẳng định mong muốn sẽ phủ khắp thị trường Việt Nam.

Dù vậy, với các nhà đầu tư, điểm hấp dẫn nhất trong mô hình kinh doanh của PTTOR vẫn là mạng lưới bán lẻ xăng dầu với khả năng cung cấp không chỉ mặt hàng xăng dầu.

"Điểm hấp dẫn là trạm xăng chứ không phải xăng dầu. Trạm xăng dầu trở thành tâm điểm của những người đi lại và thông qua đó họ có thể bán được các sản phẩm và dịch vụ để liên tục mở rộng kinh doanh", nhà đầu tư nổi tiếng Thái Lan Niwes Hemvachiravarakorn nhận định.

Thái Sơn