|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Du lịch gặp khó, 'người trong ngành' chuyển sang kinh doanh F&B, từ cà phê tới nước ép hoa quả

10:48 | 10/04/2021
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra tác động vô cùng lớn đối với nhiều ngành nghề kinh tế, trong đó có du lịch. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến không ít nhân sự của ngành này phải bỏ nghề, chuyển sang những hướng đi mới.

5 giờ sáng, anh Giang Nguyễn (sinh năm 1990) lại thức dậy, chuẩn bị những "mẻ" cà phê mới nhất để sẵn sàng mang ra đường, phục vụ khách hàng của mình. 10 năm làm du lịch chuyên nghiệp, anh Giang bỗng rơi vào cảnh thất nghiệp khi đại dịch COVID-19 ập tới. 

Ngỡ đây chỉ là một kỳ nghỉ ngắn nhưng nào ngờ nó kéo dài hơn dự định, người đàn ông khi đó đã quyết định một nước đi táo bạo: Nghỉ hẳn du lịch và chuyển hẳn sang  kinh doanh cà phê chất lượng cao.

"Mình đến với cà phê vào năm 2018 và đã tìm thấy niềm đam mê với cà phê từ đó. Với khả năng của mình thì hoàn toàn có thể kiếm được một công việc mới với thu nhập tốt nhưng mình chọn theo đuổi đam mê", anh Giang chia sẻ. 

Tháng 7/2020, nhận thấy hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang thay đổi từ offline qua online, anh Giang đã bắt đầu công việc kinh doanh cà phê qua mạng xã hội Facebook. Thời gian đầu dự án của Giang có những bước tiến triển tốt, tuy vậy càng về sau thì doanh số không đạt được như kỳ vọng.

Ngành du lịch đóng băng và câu chuyện nhân sự chuyển hướng đi mới, thích nghi với hoàn cảnh dịch COVID-19   - Ảnh 1.

Anh Giang Nguyễn chọn con đường khởi nghiệp với đam mê cà phê sau khi thất nghiệp do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Vượng Phát).

Ở thời điểm đó, Giang đã đưa ra một quyết định táo bạo mà trong đời anh chưa từng làm bao giờ: Lên xe và mang cà phê đi bán dạo. Lý do là vì kinh doanh trên Facebook sẽ phải đầu tư rất nhiều cho quảng cáo.

Giang chọn ngay đối tượng khách hàng chủ yếu sẽ là dân văn phòng, những người lao động tri thức, có gu thưởng thức nhất định. Ngoài ra, "nhà sáng lập" cũng xây dựng bộ nhận diện cho sản phẩm cà phê của mình.

Anh Giang tập trung vào mảng kinh doanh mới. (Ảnh: Vượng Phát).

Hiện dự án kinh doanh cà phê của Giang vẫn phát triển tốt và anh đang có dự định mở rộng thêm quy mô xe hàng, tạo thành một hệ thống trong tương lai.

Từng là đồng nghiệp với anh Giang, anh Minh Đức (sinh năm 1991) cũng lựa chọn "chuyển nghề" sang mảng kinh doanh F&B. Tuy nhiên mặt hàng mà anh Đức lựa chọn là nước giải khát từ nước ép hoa quả.

"Juice (nước ép hoa quả) tốt cho sức khoẻ, dễ uống và quan trọng là chi phí đầu tư không quá lớn nên mình quyết định đầu tư", anh Đức chia sẻ.

Cũng là người tay ngang và chưa từng kinh doanh bao giờ, dĩ nhiên anh Đức cũng gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu bán hàng. Phải mất một thời gian đầu Đức mới thích nghi với công việc mới và thu hút được lượng khách hàng nhất định. 

Hiện công việc kinh doanh của anh đã đi vào ổn định và dự kiến sẽ mở thêm 2 điểm bán mới trong tháng 4 này. Dự kiến trong tương lai, anh Đức đang lên kế hoạch thiết kế, xây dựng menu để khai trương một cửa hàng offline.

Ngành du lịch đóng băng và câu chuyện nhân sự chuyển hướng đi mới, thích nghi với hoàn cảnh dịch COVID-19   - Ảnh 3.

Anh Minh Đức (phải) bên cạnh quầy nước ép hoa quả di động của mình. (Ảnh: NVCC).

Theo chia sẻ của anh Đức, sau khi du lịch phục hồi, anh vẫn sẽ tiếp tục công việc kinh doanh vì đã có một lượng khách ổn định và nhận thấy nhu cầu cho mặt hàng nước ép là luôn có. Song, anh Đức sẽ vừa duy trì kinh doanh và vừa làm du lịch.

Giang và Đức là hai trong nhiều ví dụ cho những nhân sự của ngành du lịch khởi nghiệp, tìm kiếm hướng đi mới trong thời điểm toàn ngành bị đóng băng vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. 

Theo thông tin từ Tổng cục thống kê, năm 2020, lượng khách quốc tế đến nước ta năm nay chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019, khách nội địa đạt 56 triệu lượt giảm 34%, tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã phải đóng cửa. Nhiều khách sạn phải ngừng hoạt động, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin sự kiện Diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc 2021 và Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2021, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, du lịch nội địa sẽ vẫn là thị trường chính của Việt Nam trong năm 2021 và 2022. 

Nhật Linh