Thái Lan có thể rớt xuống vị trí thứ ba về xuất khẩu gạo trong năm 2020
Theo ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, chi phí sản xuất cao hơn so với các đối thủ, và biến động tỷ giá khiến quốc gia Đông Nam Á gặp bất lợi so với Việt Nam.
"Thái Lan đã xuất khẩu cùng một loại gạo trong suốt 30 năm và thiếu phát triển giống mới để đáp ứng sự thay đổi của nhu cầu thị trường và hành vi người tiêu dùng. Trong năm nay, hiệp hội đã đặt mục tiêu xuất khẩu ở 7,5 triệu tấn, trùng với mục tiêu của Bộ Thương mại Thái Lan, với giá trị đạt 4,2 triệu USD", ông Charoen cho biết.
The Thaiger nhận định đây là mục tiêu thấp nhất của quốc gia này trong 7 năm. Năm 2013, Thái Lan đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo.
Trong 2019, Thái Lan xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo, trị giá 131 tỉ baht, giảm lần lượt 32% về khối lượng và 25% về giá trị.
Đặc biệt, thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm ngoái của Thái Lan là quốc gia Tây Phi - Benin - nhập khẩu hơn 1 triệu tấn gạo Thái, theo sau là Nam Phi với 725.461 tấn, Mỹ là 559,957 tấn và Trung Quốc 471.339 tấn.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội, cho hay các yếu tố rủi ro chính đối với triển vọng xuất khẩu gạo Thái lan gồm đồng baht mạnh, hạn hán trên diện rộng, tồn kho gạo khổng lồ tại Trung Quốc (với 120 triệu tấn) và những giống gạo mới được phát triển ở Việt Nam, nhất là gạo thơm và gạo trắng hạt dẻo.
Việt Nam đã thành công trong việc xuất khẩu gạo ở mức giá thấp hơn Thái Lan và xâm nhập vào những thị trường gạo chính như Trung Quốc, Hong Kong, Philippines và Malaysia.
Tuần trước (10 - 15/2), giá gạo 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức 355 - 360 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng 7 USD/tấn so với tuần trước nữa, từ 425 - 439 USD/tấn lên 425 - 447 USD/tấn, theo Reuters. Như vậy, giá gạo Thái Lan đang cao hơn 100 USD so với của Việt Nam.
Những rủi ro khác gồm Thoả thuận Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hai thoả thuận sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên của CPTPP.
Ngoài ra, ông Chookiat nhận định sự bùng phát của virus corona mới dự kiến sẽ thúc đẩy các nhà tiêu thụ gạo, đặc biệt Trung Quốc, Hong Kong và Singapore, tăng cường dự trữ gạo.
Indonesia cũng lên kế hoạch tăng nhập khẩu gạo lên khoảng 1 triệu tấn từ mức 300.000 tấn trong năm ngoái.
"Sự bùng phát của virus đã gây ra khủng hoảng tại Trung Quốc, Hong Kong và Singapore, làm tăng nhu cầu của các thị trường này đối với gạo", ông Chookiat nói.
Tuy nhiên, theo chủ tịch danh dự của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Thái Lan, ngay cả khi nhu cầu gia tăng, quốc gia Đông Nam Á vẫn gặp khó khăn để đạt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 1, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh hạ dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2020.
Cụ thể, xuất khẩu sẽ giảm 900.000 tấn so với ước tính trước đó xuống 7,5 triệu tấn, trùng với mục tiêu đặt ra của Hiệp hội. Nguyên nhân là hạn hán làm giảm nguồn cung sẵn có để xuất khẩu, trong khi giá duy trì ở mức không cạnh tranh.
Báo cáo mới nhất công bố hôm 11/2 của cơ quan nông nghiệp Mỹ cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu sẽ giảm trong năm 2020, với nhập khẩu dự báo giảm tại Guinea, Ai Cập và Philippines. Xuất khẩu cũng được điều chỉnh giảm tại Ấn Độ và Paraguay.