|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thaco khánh thành nhà máy sản xuất xe khách 'made in Vietnam'

15:31 | 08/12/2017
Chia sẻ
Sáng 8/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự Lễ khánh thành Nhà máy Bus Thaco của Công ty Ô tô Trường Hải tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải. Đây là nhà máy sản xuất dòng xe khách cao cấp hoàn toàn mới, mang thương hiệu Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.
khanh thanh nha may san xuat xe khach made in vietnam Trường Hải giành quyền bán xe Fuso ở Việt Nam
khanh thanh nha may san xuat xe khach made in vietnam Thaco sẽ xây dựng hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô mới

Sáng 8/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự Lễ khánh thành Nhà máy Bus Thaco của Công ty Ô tô Trường Hải tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải. Đây là nhà máy sản xuất dòng xe khách cao cấp hoàn toàn mới, mang thương hiệu Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.

khanh thanh nha may san xuat xe khach made in vietnam
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Nhà máy Bus THACO nằm trong Khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải được khởi công xây dựng từ tháng 9/2016, với công suất thiết kế 20.000 xe/năm; tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Với định vị là nhà máy xe khách lớn nhất Đông Nam Á, Nhà máy Bus THACO được đầu tư các dây chuyền công nghệ mới, hiện đại.

Song song với việc xây dựng nhà máy mới, THACO cũng nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm xe bus cao cấp hoàn toàn mới, mang thương hiệu Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 60%, sử dụng động cơ Euro 4, có cấu hình và công năng phù hợp với điều kiện giao thông và quy định của Chính phủ về vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng và xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải với 5 nhà máy lắp ráp ô tô, 14 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; 1 trường cao đẳng và 6 đơn vị hỗ trợ đã góp phần đặc biệt quan trọng vào việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn; biểu dương Công ty Ô tô Trường Hải đã tiên phong để tạo ra những sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam.

“Việc Thaco làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất xe bus và các sản phẩm ô tô khác đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ; góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung”, Phó Thủ tướng nói.

khanh thanh nha may san xuat xe khach made in vietnam
Hình ảnh tại lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực phát triển

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong số các ngành công nghiệp sản xuất dân dụng, ngành sản xuất ô tô có liên kết đầu vào - đầu ra rộng rãi nhất và sự phối hợp công nghệ cao nhất; là ngành có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa của đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan như luyện kim, cơ khí, điện tử, hóa chất… phát triển, do đó tạo động lực xây dựng nền công nghiệp quốc gia.

“Việc duy trì và từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế đất nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của người dân trong giai đoạn phổ cập ô tô thời gian tới, đồng thời tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần hạn chế thâm hụt cán cân thương mại và củng cố an ninh, quốc phòng”, Phó Thủ tướng nói.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ban hành Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành ô tô giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu “xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn”.

Triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành đã được phê duyệt, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt được một số kết quả quan trọng.

Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô đạt khoảng trên 460.000 xe/năm, gồm nhiều chủng loại xe con, xe tải và xe khách. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản nhu cầu của thị trường.

Mỗi năm, ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Bên cạnh những kết quả trên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chưa tự thiết kế, sản xuất được những mẫu xe phù hợp với điều kiện giao thông, nhu cầu sử dụng của người Việt Nam. Cùng với đó, mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hoá cao (60%) đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đã không thực hiện được. Giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp trong ngành mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa…; chưa tạo ra được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện…

khanh thanh nha may san xuat xe khach made in vietnam
Phó Thủ tướng tham quan Nhà máy. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tăng tỷ lệ sản xuất trong nước để đón đầu xu thế ô tô

Cùng với sự phát triển ổn định của mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, thu nhập, chất lượng đời sống của người dân Việt Nam ngày một tăng cao. Xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD. Trong khi đó, số xe trung bình trên 1000 dân mới chỉ đạt 50 xe.

Theo "Báo cáo 2035” của Ngân hàng Thế giới, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035, sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp này. Đây chính là là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân.

Ngoài thị trường trong nước, ô tô và các sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu có các giải pháp phát triển tốt thì có thể chinh phục các thị trường khu vực và quốc tế, đặc biệt tại các thị trường mới, với các sản phẩm “ngách”, chưa được các “ông lớn” tập trung phát triển.

Bên cạnh những mặt thuận lợi nêu trên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là việc cạnh tranh với các sản phẩm ô tô của các nước trong khu vực và thế giới.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển ô tô Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của người dân trong những năm tới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung để tạo ra thương hiệu ô Việt Nam có chất lượng, với giá hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

“Các doanh nghiệp cần cố gắng tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của các thương hiệu từ các tập đoàn toàn cầu hiện có. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường “ngách”, các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực”, Phó Thủ tướng đề nghị.

khanh thanh nha may san xuat xe khach made in vietnam
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Với ô tô Trường Hải, Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị để tạo thêm nhiều sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam.

“Ô tô Trường Hải cùng với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất ô tô trong nước phải là những động lực chính để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”, Phó Thủ tướng nói. Tỉnh Quảng Nam cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có ô tô Trường Hải để hướng đến xây dựng Quảng Nam trở thành một trung tâm về sản xuất và lắp ráp ô tô của khu vực miền Trung và cả nước.

“Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục các chính sách, giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đặc biệt là có các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Xuân Tuyến

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.