|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thách thức của tôm Việt Nam khi vào Mỹ

08:50 | 10/02/2017
Chia sẻ
Ngành tôm năm 2016 có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vừa sang tới năm 2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho biết tôm Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG). Theo đó, ngành tôm có thể gặp khó nếu DOC đưa ra mức thuế CBPG quá cao trong phán quyết cuối cùng vào thời gian tới.
thach thuc cua tom viet nam khi vao my
DOC thông báo tôm Việt xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị áp thuế CBPG giá (Nguồn: IT)

Tôm Việt sẽ tiếp tục bị áp thuế CBPG tại Mỹ

Vào cuối tuần trước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông báo của DOC cho hay, tôm Việt xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị áp thuế CBPG. Nguyên nhân là, DOC nhận thấy rằng việc xóa bỏ lệnh CBPG có thể dẫn tới việc bán phá giá tiếp tục tái diễn.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2016, mức thuế sơ bộ được DOC công bố trong lần xem xét thứ 11 đối với các lô hàng nhập khẩu từ ngày 1/2/2015 đến 31/1/2016 ngang với mức thuế cho các bị đơn trong lần xem xét thứ 10 là 4,78%. Trong khi đó, mức thuế toàn quốc 25,75% được áp dụng cho các nhà nhập khẩu không tham gia vào đợt xem xét.

Trao đổi với phóng viên về quyết định của DOC, ông Trương Đình Hoè -Tổng thư ký VASEP cho biết, trong qua trình xem xét hoàng hôn 5 năm lần thứ hai, thuế CBPG vẫn tiếp tục được áp dụng giống như những lần xem xét trước đó. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang đợi kết quả kiểm tra của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) về việc tôm Việt Nam có gây thiệt hại cho sản xuất tôm của Mỹ. Kết quả cuối cùng của đợt xem xét dự kiến được công bố vào tháng 5/2017.

Theo ông Hòe, doanh nghiệp trong nước phải chứng minh với ITC không gây thiệt hại cho ngành tôm Mỹ thì thuế CBPG mới được xóa bỏ.

Ngành nuôi tôm và một số sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam đã được nhìn nhận và so sánh với Ấn Độ, Thái Lan cho thấy giá thành sản xuất của Việt Nam đang cao hơn 10 - 30%. Có nhiều yếu tố tác động tạo ra giá thành sản phẩm cao như giống, thức ăn, các vật tư đầu vào, tổn thất sau thu hoạch,... Đây là yếu tố quan trọng tác động lên hệ số cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trong năm 2017.

(Trích nhận định của VASEP về thách thức ngành thủy sản Việt Nam năm 2017)

Cạnh tranh với tôm Ấn Độ tại Mỹ

Trước đó VASEP đánh giá, đối thủ lớn nhất của tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ là tôm Ấn Độ, đặc biệt là sản phẩm tôm chân trắng. Bởi tôm Ấn Độ có ưu thế về nguồn cung ổn định và giá thành thấp hơn so với tôm Việt Nam.

Tính đến tháng 10/2016, Ấn Độ cũng đã giành lại vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Mỹ, trong khi Việt Nam đứng thứ 5 và chỉ chiếm trên 10% tổng khối lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này.

Bên cạnh đó, mức thuế CBPG mà DOC áp lên tôm Ấn Độ trong lần xem xét thứ 10 được giảm xuống còn 2,2% từ mức thuế sơ bộ 4,78%. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam bị áp thuế 4,78%, tăng từ 3,56%.

VASEP cho rằng đây sẽ bất lợi cho ngành tôm Việt Nam và là lợi thế cho Ấn Độ tại thị trường Mỹ trong năm nay.

Nhìn lại thắng lợi ngành tôm năm 2016

Số liệu của VASEP cho biết, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2016 cán mốc 3,1 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ ước thu về nhiều nhất với 729 triệu USD, tăng 11%. Ngoài ra, kim ngạch ước thu về từ 4 thị trường xuất khẩu lớn khác cũng cao gồm EU (598 triệu USD), Nhật Bản (590 triệu USD), Trung Quốc (431 triệu USD) và Hàn Quốc (271 triệu USD).

Ngoài ra, một thắng lợi lớn nhất của ngành tôm Việt Nam trong năm ngoái là, lần đầu tiên có một tập đoàn thủy sản được đưa ra khỏi danh sách áp thuế CBPG khi xuất khẩu tôm sang Mỹ. Đây được coi là cơ hội cho tôm Việt Nam mở rộng vào Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh thị trường gay gắt và rào cản thương mại dựng lên từ các nước lớn ngày càng nhiều.

Hồng Vũ

Nhận định thị trường chứng khoán 30/9: Kiểm tra dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm
Theo dự báo của công ty chứng khoán, với tín hiệu nến thận trọng hiện tại, có khả năng diễn biến của thị trường sẽ tạm thời chậm lại và có động thái điều chỉnh trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm.