|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TGĐ FPT: Cần tôn vinh sản phẩm 'Make in Việt Nam' ngay từ quá trình xây dựng

07:48 | 13/05/2023
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, TGĐ Tập đoàn FPT, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ số. Vì vậy, doanh nghiệp không nên chạy đua về số lượng mà cần làm từ bước đầu tiên, nhỏ bé nhưng chắc chắn để tiến đến vĩ đại.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ số  - Make in Việt Nam. Doanh nghiệp không nên chạy đua về số lượng, cần làm từ bước đầu tiên, nhỏ bé nhưng chắc chắn để tiến đến vĩ đại.

 

Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ trong khuôn khổ Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 11/5/2023 tại Hà Nội. 

Ông Nguyễn Văn Khoa, TGĐ Tập đoàn FPT. (Ảnh: FPT).

Dẫn dắt sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam được tổ chức để đi tìm và vinh danh các sản phẩm, giải pháp dùng công nghệ số để giải quyết các bài toán cuộc sống.

Nhiều sản phẩm đã ghi nhận tăng trưởng sau khi đạt giải, trong đó có sản phẩm tăng trưởng đến 200- 300% (như Base.vn, MISA AMIS), hay có sản phẩm đã thu hút nhà đầu tư với số lượng vốn lớn (Base.vn). Tuy nhiên, sau ba năm tổ chức, để giải thưởng uy tín và thiết thực hơn, Bộ TT&TT cần đóng góp của các doanh nghiệp dựa trên góc nhìn khách hàng, thị trường và vận hành nội bộ.

“Quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm khó hơn thực hiện các dịch vụ công nghệ rất nhiều. Người Việt Nam có đặc tính làm mọi việc rất tốt nếu đi từ nhỏ đến lớn, từ cụ thể đến lớn lao. Nếu bắt buộc phải vĩ đại ngay từ đầu thì tỷ lệ thành công không cao. Vì vậy, tôi đề xuất có thể tôn vinh sản phẩm Make in Việt Nam ngay từ quá trình phát triển sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.

Đưa ra bức tranh lớn trên thế giới – ví dụ như Microsoft, ông Nguyễn Văn Khoa chỉ ra rằng doanh nghiệp quốc tế có các đội, nhóm phát triển sản phẩm chuyên biệt. Trong quá trình xây dựng sản phẩm, họ đầu tư thời gian nghiên cứu, tự phản biện để ra sản phẩm tốt.

Với doanh nghiệp Việt Nam, bài toán kinh tế, thời gian chưa cho phép để được như mô hình quốc tế nên Bộ TT&TT có thể tạo điều kiện để kết nối chuyên gia quốc tế tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển sản phẩm công nghệ để hướng tới đưa sản phẩm Make in Việt Nam ra toàn cầu. 

Ông Nguyễn Văn Khoa cũng đề xuất Bộ TT&TT có giải thưởng, cơ chế khích lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý tưởng đột phá tham gia giải thưởng và được vinh danh ở những hạng mục giải thưởng phù hợp.

Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Việt – Tổng giám đốc FPT Smart Cloud – Công ty thành viên Tập đoàn FPT cho rằng năng lực kỹ sư Việt Nam tốt nhưng để tạo nên sản phẩm tốt cần một tập thể, doanh nghiệp có thiết kế sản phẩm tốt dựa trên quá trình nghiên cứu để phù hợp với trải nghiệm người dùng. Để làm được điều đó cần liên kết giữa các doanh nghiệp, sự học hỏi từ chuyên gia quốc tế. 

Ngoài ra, ông Lê Hồng Việt đề xuất, giải thưởng Make in Việt Nam cần tạo nên cảm xúc, niềm tự hào và thể hiện sự hữu dụng, điểm ưu việt so với sản phẩm nước ngoài. Bộ TT&TT cũng cần quy tụ doanh nghiệp hàng đầu công nghệ, có các sản phẩm thành công bên cạnh việc vinh danh sản phẩm nhỏ lẻ để tạo nên cộng đồng để cùng xây dựng bộ giải pháp hoàn chỉnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam do Bộ TT&TT tổ chức, đại diện doanh nghiệp như Viettel, MobiFone, VNPT, Hocmai.. cũng đưa ra những kiến nghị cho ban tổ chức giải thưởng về tên gọi cuộc thi, đưa sản phẩm đạt giải vào bảng xếp hạng thế giới, các hạng mục giải thưởng, truyền thông… Lãnh đạo Bộ TT&TT tiếp nhận ý kiến từ doanh nghiệp để triển khai giải thưởng trong năm 2023.

 

Doanh Chính

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.