|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Hoàng Nam Tiến rời ghế Chủ tịch FPT Telecom

21:47 | 25/04/2023
Chia sẻ
Thay vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom của ông Tiến là ông Hoàng Việt Anh.

Theo thông tin từ FPT, từ ngày 25/4, ông Hoàng Nam Tiến sẽ thôi giữ vai trò Chủ tịch FPT Telecom để đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động của Viện Quản trị và Công nghệ FSB.

 Ban lãnh đạo Tập đoàn trao quyết định bổ nhiệm cho ông Hoàng Nam Tiến (áo cam). (Ảnh: FPT).

Cùng ngày, FPT Telecom công bố các Nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc bầu nhân sự đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, ông Hoàng Việt Anh được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Telecom nhiệm kỳ 2023-2028 và ông Nguyễn Hoàng Linh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc FPT Telecom.

Ông Hoàng Việt Anh có hơn 5 năm gắn bó với FPT Telecom trong vai trò Tổng giám đốc. Ngoài được bầu vào vị trí Chủ tịch FPT Telecom thay cho ông Hoàng Nam Tiến, ông Hoàng Việt Anh hiện đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT phụ trách Chuyển đổi số kiêm nhiệm Chủ tịch FPT Digital.

Tân Tổng giám đốc FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh có hơn 15 năm gắn bó với FPT Telecom, trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau từ tài chính, truyền hình. Gần nhất, ông đảm nhận vai trò quản lý toàn bộ khối kinh doanh khách hàng phổ thông (mass) và dịch vụ khách hàng của FPT Telecom.

Về ông Hoàng Nam Tiến, ông gia nhập FPT từ năm 1993 sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành Tin học. Từ tháng 3/2020, ông Tiến đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom.

Nói về việc thôi giữ chức Chủ tịch FPT Telecom, ông Tiến chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Như vậy là đã 3 năm 1 tháng và 21 ngày tôi là một thành viên của FTEL (FPT Telecom - pv). Trong suốt quãng thời gian đó, tôi và các bạn đã thực sự trở thành những người đồng nghiệp, đồng đội và anh em trong một gia đình - gia đình FTEL.

Ngày hôm nay, tôi chính thức kết thúc nhiệm kỳ 3 năm của mình tại FTEL để nhận nhiệm vụ mới. Dù không còn ở FTEL nhưng FTEL vẫn luôn thật gần,…”

 

Đức Huy

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.