|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Hoàng Nam Tiến: Chúng tôi đánh giá cao những người có bằng cấp, nhưng năng lực để học giỏi và làm giỏi không giống nhau

14:31 | 27/03/2023
Chia sẻ
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến từng chia sẻ rằng FPT có 29% lãnh đạo khi nhận nhiệm vụ chỉ có bằng cao đẳng, và bằng cấp không quan trọng, quan trọng là năng lực của bản thân. Chia sẻ này có thể là một ý trả lời cho vấn đề đang được quan tâm gần đây: Liệu bằng đại học có "vô dụng"?

Thời gian qua, có một chủ đề trên mạng xã hội liên quan tới chuyện bằng cấp đại học đã gây ra sự chú ý và được mọi người bàn tán nhiều. Cụ thể, trong thời gian gần đây, mạng xã hội TikTok đã xuất hiện một số video có nội dung nêu tên một số bằng đại học “vô dụng nhất”.

Chủ đề này đã nhận được nhiều sự chú ý. Nhiều người cho rằng không có bằng đại học nào là “vô dụng”, và tác dụng của nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả người học. Thực tế, chủ đề này đã từng xuất hiện và được bàn luận nhiều trước đây.

Chẳng hạn, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom từng có chia sẻ rằng tại nơi ông đang công tác, có khoảng 29% cán bộ/chuyên gia/quản lý/giám đốc có trình độ cao đẳng, “như vậy bằng cấp không quan trọng, quan trọng là khả năng tự học và năng lực của bạn đến đâu”.

Ông Hoàng Nam Tiến từng chia sẻ rằng bằng cấp không quan trọng, quan trọng là khả năng tự học và năng lực của bản thân. (Ảnh: FPT).

Cụ thể, trong một buổi phỏng vấn với VTC Now, ông Hoàng Nam Tiến cho biết từng có buổi gặp mặt với hơn 500 sinh viên trẻ và năng động của trường Cao đẳng FPT. Tại đây, một số sinh viên đã đặt câu hỏi cho ông như sau: “Em học cao đẳng thì sau này có làm lãnh đạo được không?”.

Câu hỏi này không chỉ được các sinh viên tại trường Cao đẳng FPT đặt ra cho ông Tiến mà ông còn nhận được rất nhiều câu hỏi tương tự từ sinh viên nhiều trường đại học khác.

Để trả lời cho câu hỏi trên, ông Tiến đã lấy ví dụ từ chính đơn vị mà ông đang công tác, Tập đoàn FPT. “Tại FPT, có khoảng 29% lãnh đạo và quản lý chỉ có bằng cao đẳng ở thời điểm mà họ bắt đầu nhận nhiệm vụ, còn 71% còn lại có bằng đại học và trên đại học. Bằng cấp không quan trọng, điều quan trọng thực sự đó chính là năng lực của các bạn, bao gồm năng lực về chuyên môn, năng lực về quản trị và năng lực về khả năng tự học”, ông Tiến cho biết.

Ông Tiến miêu tả bản thân ông và những người cùng thời là “thế hệ già”, hay “one-time learning”, tức là những người chỉ học một lần, sau đó đọc tài liệu và tham dự vài buổi hội thảo rồi cứ thế tiếp tục làm lãnh đạo.

“Thế hệ các bạn trẻ bây giờ rất khác chúng tôi. Thế hệ ngày nay phải học tập suốt đời. Tiếng Anh có một từ rất hay là “lifelong learning”, tức là học tập suốt đời và sẵn sàng học thêm rất nhiều cái mới.

Tại FPT, có những bạn chưa tốt nghiệp đại học và điều này không sao cả. Các bạn ấy có năng lực, trình độ mà kể cả những bạn tốt nghiệp đại học bằng cấp cao cũng khó có thể so sánh bởi vì “trường đời”, “xã hội” là trường học lớn nhất”, lãnh đạo FPT Telecom chia sẻ.

Ông Tiến từng có quãng thời gian 8 năm làm việc tại FPT Software, một trong những đơn vị thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FPT. Tại đây, ông luôn nhấn mạnh về yếu tố năng lực của từng người thay vì quan tâm tới xuất phát điểm tốt nghiệp từ trường nào ra.

“Các bạn học cao đẳng hay trung cấp cũng được, thậm chí có những bạn còn chưa có cả bằng trung cấp, không sao. Điều quan trọng là các bạn cần phải chứng minh được năng lực của bản thân”, ông Tiến chia sẻ.

Tuy nhiên, những chia sẻ này không đồng nghĩa với việc ông Hoàng Nam Tiến nói riêng và Tập đoàn FPT nói chung đánh giá thấp những người đạt được các bằng cấp cao, đặc biệt là những bằng cấp tự học.

“Trong cuộc sống, có rất nhiều điểm mốc mà chúng ta cần phải vượt qua. Việc các bạn tốt nghiệp đại học đồng nghĩa với việc các bạn đã vượt qua một bài kiểm tra 4 năm. Khi các bạn có bằng thạc sĩ, đồng nghĩa với việc các bạn đã vượt qua bài kiểm tra 2 năm. Các bạn còn có rất nhiều bằng cấp đặt biệt khác, và những bằng cấp/chứng chỉ đó thực sự rất có giá trị”, ông Tiến cho biết.

Theo ông Tiến, mỗi một bằng cấp đều là một kỳ kiểm tra, nhưng năng lực để học giỏi và năng lực để làm việc giỏi là hai yếu tố khác nhau. “Khi đi làm việc, các bạn cần rất nhiều năng lực khác nữa, ngoài việc học giỏi. Chẳng hạn, ai rồi cũng phải biết về tài chính dù không học tài chính, và chẳng có trường lớp nào đào tạo tất cả các lĩnh vực. Các bạn phải tự học”, ông Tiến nhấn mạnh.

Doanh Chính