|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tencent và ByteDance là hai nhà phát hành ứng dụng di động có doanh thu cao nhất thế giới nửa đầu năm 2022

17:21 | 13/09/2022
Chia sẻ
Dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và chính quyền Bắc Kinh liên tục siết quy định với ngành internet, hai trong số những Big Tech hàng đầu nước này là Tencent và ByteDance vẫn chứng minh được vị thế trên toàn cầu trong nửa đầu năm nay khi đạt doanh thu cao ngất ngưởng.

Gã khổng lồ internet Tencent Holdings và công ty mẹ của ứng dụng xem video ngắn TikTok là ByteDance là những công ty được xếp hạng hàng đầu thế giới về doanh thu từ ứng dụng trong nửa đầu năm 2022, theo một báo cáo mới được công bố.

Theo South China Morning Post, những kết quả này chứng minh rằng Big Tech ở Trung Quốc vẫn nắm giữ sức mạnh và vị trí quan trọng trên thị trường internet toàn cầu, bất chấp việc chính phủ Trung Quốc liên tục siết chặt quy định với ngành internet cũng như nền kinh tế thị trường tỷ dân đang tăng trưởng chậm lại.

Một ghi chú nghiên cứu của dịch vụ theo dõi dữ liệu thị trường di động SensorTower cho thấy gã khổng lồ Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến là doanh nghiệp có thu nhập cao nhất trong số các nhà phát hành game cũng như ứng dụng di động, đạt doanh thu khoảng 4,4 tỷ USD trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, nhờ vào các trò chơi điện tử ăn khách như Honor of Kings và PUBG Mobile.

Trong khi đó, kỳ lân lớn nhất thế giới đồng thời là công ty mẹ TikTok, ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh đứng thứ hai khi đạt doanh thu 1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm, nhờ sự phổ biến của ứng dụng video ngắn nổi tiếng toàn cầu TikTok.

Tencent và ByteDance là những nhà phát hành ứng dụng di động có doanh thu cao nhất 6 tháng đầu năm. (Ảnh: GamerBraves).

Trong mảng phát hành các ứng dụng trò chơi điện tử trên di động, Tencent thu về 2,6 tỷ USD, chiếm gần 10% trong toàn bộ thị trường ứng dụng trò chơi trị giá 27 tỷ USD. Dữ liệu của SensorTower cũng cho thấy mức độ thống trị của các ông lớn trong thị trường trò chơi, với khoảng 1% những công ty top đầu (tương đương 460 doanh nghiệp) chiếm tới 93% tổng giá trị thị trường, qua đó khiến 46.000 công ty khác phải tranh giành 1,9 tỷ USD còn lại trên thị trường game.

Báo cáo của SensorTower bao gồm dữ liệu từ 900.000 doanh nghiệp phát hành game và ứng dụng đi động trên toàn thế giới. Trong đó, số lượt tải các ứng dụng của 1% nhà phát hành đứng đầu đạt mức 72 tỷ lượt trên cả App Store và Google Play trong nửa đầu năm nay, chiếm tới 79% tổng số lượt cài đặt ứng dụng trên toàn cầu.

Ngược lại, số lượt tải xuống các ứng dụng của 99% nhà phát hành còn lại chỉ chiếm 21% tổng số lượt tải các ứng dụng trên toàn cầu với cả App Store và Google Play.

Mặc dù 1% nhà phát hành top đầu vẫn có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới trò chơi di động nhưng sự thống trị của họ đã suy yếu trong ba năm qua, Justin Cruz, nhà phân tích thông tin chi tiết về thiết bị di động tại SensorTower cho biết.

Ngoài xu hướng trên, thị trường di động còn chứng kiến sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, chủ yếu là do áp lực từ lạm phát, qua đó khiến các nhà phát hành lớn như Netflix và ByteDance buộc phải mở rộng mảng kinh doanh, đa dạng hóa sang cả lĩnh vực game, SensorTower cho biết.

Việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt quy định phát hành các tựa game mới đối với các nhà phát hành trong nước đã khiến nhiều Big Tech nước này phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Ví dụ, ông lớn Tencent đã tăng lượng cổ phần thiểu số của mình trong nhà phát triển trò chơi Pháp Ubisoft, trong khi NetEase mua lại Quantic Dream vào tháng trước. Điều này diễn ra sau khi cả hai doanh nghiệp này đều không nhận được sự chấp thuận từ Bắc Kinh cho các tựa game mới.

Anh Nguyễn