Taxi vẫn hoạt động cầm chừng
Thu nhập được cải thiện
Anh Nguyễn Văn Bằng (42 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm), tài xế hãng taxi Mai Linh cho biết, cuối tháng 4, khi taxi được hoạt động trở lại, thu nhập của anh rất thấp. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, khi cuộc sống của đại bộ phận người dân trở lại bình thường, những tài xế taxi như anh đã có thu nhập khá hơn đáng kể.
“Dịch bệnh qua đi, thời tiết nắng nóng nên nhiều người lựa chọn đi taxi hơn. Mấy ngày nay, nếu trừ các chi phí thì mỗi ngày tôi cũng bỏ ra được 500.000 - 600.000 đồng” - anh Bằng chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trần Hữu Trung (38 tuổi, quê Thái Bình), tài xế taxi công nghệ tại Hà Nội hồ hởi cho biết, vừa gửi được 4 triệu đồng về quê cho vợ cách đây vài hôm.
“Hơn 3 tháng nay, bây giờ tôi mới gửi được một chút để phụ vợ nuôi 2 con ăn học. Như tháng trước thì khó khăn quá, nhiều lúc tiền ăn còn không đủ” - anh Trung cho hay.
Tuy vậy, theo anh Bằng, anh Trung, thu nhập hiện nay của đa số tài xế taxi mới chỉ bằng nửa so với thời điểm này năm ngoái. Nguyên nhân là người dân hiện vẫn còn tương đối ngại sử dụng dịch vụ taxi sau một thời gian dài dịch bệnh.
Cùng với đó, các hãng hàng không chủ yếu khai thác một số đường bay nội địa, tần suất chưa cao nên nguồn khách từ sân bay không đáng kể.
Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý G7 taxi (hãng taxi G7) Nguyễn Anh Quân cho biết, dịch bệnh đã làm các hãng taxi nói chung và tài xế taxi nói riêng điêu đứng. Sau dịch, hãng taxi G7 đã hoạt động trở lại với khoảng 90% số xe, tuy nhiên do lượng khách thưa nên các xe phải luân phiên hoạt động để bảo đảm hiệu suất.
“Chúng tôi cũng đã hoàn tất các thủ tục cần thiết cho hơn 3.000 lái xe để sớm tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm xem xét, phê duyệt để hỗ trợ phần nào khó khăn cho các lái xe trong thời gian này” - ông Quân nói.
Cơ hội để liên kết, bứt phá
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, taxi tại Hà Nội mới chỉ được phép hoạt động với 100% công suất từ 1/5 theo quyết định của UBND TP. Tuy nhiên, nhiều lái xe, nhất là lái xe ngoại tỉnh do lo sợ dịch bệnh và ít khách nên vẫn chưa làm việc.
“Lượng khách hiện nay chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với trước đây. Phải mất ít nhất 3 – 6 tháng nữa lượng khách mới đạt được 100% như năm ngoái” - ông Hùng nhận định.
Theo chiều hướng tích cực, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, taxi Hà Nội tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song đây là giai đoạn “vàng” để các hãng tái cơ cấu và củng cố chất lượng dịch vụ. Ông Hùng chỉ ra 3 điểm cần cải thiện trong giai đoạn này của các hãng taxi truyền thống là: Công nghệ, phương tiện và lái xe.
“Các hãng cần chú trọng đến đào tạo kỹ năng giao tiếp, chấp hành pháp luật, vệ sinh và bảo dưỡng phương tiện cho đội ngũ lái xe. Lái xe vẫn là quan trọng nhất trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ” - vị chủ tịch này nói.
Tương tự như đối với taxi truyền thống, taxi công nghệ hiện nay cũng chưa hoạt động đủ 100% công suất. Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải công nghệ Hà Nội cho biết đang có khoảng 90% trong số hơn 20.000 đối tác lái xe taxi công nghệ của Liên hiệp này hoạt động, song nhiều tài xế cũng chỉ hoạt động ở mức cầm chừng.
Nhưng theo ông Tuấn, đây là giai đoạn cần thiết để các công ty, hợp tác xã vận tải taxi công nghệ cùng tận dụng sức mạnh công nghệ để cùng liên kết, bứt phá.
"Với đặc thù riêng, các lái xe taxi công nghệ rất ít được tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng lái xe, điều này khiến những tài xế này rất dễ bị phạt do vi phạm giao thông, ảnh hưởng đến tâm lý, kinh tế của các lái xe. Chúng tôi vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT cho phép chủ động tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật như Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP,… trên hệ thống giáo dục trực tuyến edue.vn. Điều này được đa số lái xe taxi công nghệ hưởng ứng và đón chờ." - Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải công nghệ Hà Nội Nguyễn Xuân Tuấn