Tất cả cá nhân, hộ kinh doanh sắp được giảm 50% thuế trong nửa cuối năm 2021
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, vào ngày 13/8, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế thuộc Bộ Tài chính, cho biết sau khi có ý kiến kết luận của Thủ tướng về dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh hồ sơ, gửi và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng như tổng hợp ý kiến, giải trình từ các thành viên Chính phủ khác để hoàn thiện dự thảo.
4 nhóm đối tượng sắp được miễn, giảm thuế
Đáng chú ý, dự thảo cuối cùng giữ nguyên các đề xuất về miễn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh trong nửa cuối năm nay.
Cụ thể, dự thảo quy định tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự thảo còn đề cập đến ba nhóm chính sách mới, lần đầu được cơ quan quản lý đề xuất hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng.
Trong đó, dự thảo kêu gọi giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Đồng thời, dự thảo đề xuất giảm thuế VAT kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021 với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số ngành dịch vụ, gồm vận tải (đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ); dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động chiếu phim; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch…
Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh dịch vụ quy định tại khoản này thực hiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế VAT.
Dự thảo cũng quy định miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020. Dự thảo còn kiến nghị không xử lý phạt đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Theo đánh giá tác động Nghị quyết, việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Tính chung các giải pháp đã được Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân năm 2021 là khoảng 138.000 tỷ đồng.
Trong đó, gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng; gói giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 20.000 tỷ đồng.