|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Trung Nguyên kinh doanh ra sao trong 4 năm ông Đặng Lê Nguyên Vũ thiền định?

09:47 | 04/07/2018
Chia sẻ
Trong giai đoạn từ năm 2014 – 2017, dù doanh thu vẫn ổn định nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã sụt giảm 57%.
tap doan trung nguyen kinh doanh ra sao trong 4 nam ong dang le nguyen vu thien dinh
Lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên "đổ đèo" trong thời gian ông Đặng Lê Nguyên Vũ "ẩn cư"

Doanh thu "giậm chân tại chỗ", lợi nhuận "đổ đèo"

Báo cáo tài chính các năm 2015, 2016, 2017 cho thấy bức tranh kinh doanh có phần xấu đi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên trong thời gian Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ thiền định (cuối năm 2013 – tháng 6/2018).

Cụ thể, trong giai đoạn 2014 – 2017, doanh thu thuần của Tập đoàn Trung Nguyên gần như giậm chân tại chỗ khi chỉ tăng chưa đầy 62 tỷ đồng (từ 3.889 tỷ đồng năm 2014 lên 3.950,7 tỷ đồng năm 2017). Đó là chưa nói trong hai năm 2015 và 2016, doanh thu của doanh nghiệp này còn đi giật lùi so với năm 2014.

Sự “ổn định” của doanh thu cũng tạo nên sự ổn định về lợi nhuận gộp của Tập đoàn Trung Nguyên. Suốt 4 năm, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này chỉ loanh quanh ở mức 1.500 tỷ đồng.

tap doan trung nguyen kinh doanh ra sao trong 4 nam ong dang le nguyen vu thien dinh
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên giai đoạn 2014 - 2017

Doanh thu tài chính của Tập đoàn Trung Nguyên trồi sụt khá lớn trong 4 năm, từ 518 tỷ đồng (năm 2014) rơi một mạch xuống 88 tỷ đồng (năm 2015), tăng lên 103,5 tỷ đồng (năm 2016) rồi 120 tỷ đồng (năm 2017).

Trong khi doanh thu thuần không có sự cải thiện nào đáng kể, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh thì các khoản chi phí lại có biến động tăng. Chẳng hạn như chi phí bán hàng, từ 2014 – 2017 đã tăng 15,6% (từ 527 tỷ đồng lên 609,6 tỷ đồng) hay chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 117,4% (từ 149 tỷ đồng lên 324 tỷ đồng).

Điều này khiến lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Trung Nguyên liên tục "đổ đèo" qua các năm: từ 1.294 tỷ đồng (năm 2014) xuống 808,5 tỷ đồng (năm 2015), xuống tiếp 768 tỷ đồng (năm 2016) rồi 681 tỷ đồng (năm 2017).

Dù sụt giảm mạnh nhưng cũng cần nhìn nhận rằng mức lợi nhuận của Trung Nguyên vẫn là khá đáng nể.

Các khoản đầu tư tài chính chiếm hơn một nửa tổng tài sản

Theo các báo cáo, tổng tài sản của Tập đoàn Trung Nguyên không có sự đột biến đáng kể nào trong vòng 4 năm qua. Từ năm 2014 đến 2017, tổng tài sản của tập đoàn chỉ tăng thêm 672 tỷ đồng, từ 5.024 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2015) lên 5.696 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2017).

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, đáng chú ý là sự tăng trưởng vượt trội của khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, từ 236 tỷ đồng (đầu năm 2015) đột biến lên 1.454 tỷ đồng (cuối năm 2015) rồi xuống ổn định ở khoảng 1.200 tỷ đồng trong hai năm tiếp theo.

Về đầu tư tài chính dài hạn, vốn của Tập đoàn Trung Nguyên rót ra khá phập phù: 2.198 tỷ đồng (năm 2014), 1.764 tỷ đồng (năm 2015) 2.195 tỷ đồng (năm 2016) rồi 1.791 tỷ đồng (năm 2017).

Trong khi đó, các khoản phải thu có sự gia tăng đều đặn hơn. Khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 329 tỷ đồng (năm 2014) lên 644 tỷ đồng (năm 2017). Trong cùng giai đoạn, khoản phải thu dài hạn tăng từ 60 tỷ đồng lên 156 tỷ đồng.

Còn hàng tồn kho duy trì sự “ổn định” trong khoảng từ 370 - 400 tỷ đồng trong suốt 4 năm.

Đáng chú ý, Tập đoàn Trung Nguyên có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi khoảng 37 tỷ đồng, tồn tại trong nhiều năm.

Nợ ngắn hạn bất ngờ giảm mạnh trong năm 2017

Tại ngày 31/12/2017, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Trung Nguyên là 1.055 tỷ đồng. So với năm 2014, nợ phải trả của Trung Nguyên đã giảm 41,7%.

99% khoản nợ phải trả của Tập đoàn Trung Nguyên là nợ ngắn hạn và khoản nợ này bất ngờ sụt giảm rất mạnh trong năm 2017, từ 775,8 tỷ đồng xuống chỉ còn 70 tỷ đồng.

Về vốn chủ sở hữu, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Trung Nguyên đã tăng một cách đều đặn trong giai đoạn 2014 – 2017, từ 3.212 tỷ đồng (năm 2014) lên 3.928 tỷ đồng (năm 2015) lên 4.609 tỷ đồng (năm 2016) rồi 4.641 tỷ đồng (năm 2017), nhờ nguồn lợi nhuận khá lớn hàng năm.

Tập đoàn Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập tháng 6/1996 tại Buôn Mê Thuột – thủ phủ cà phê của Việt Nam.

Năm 1998, việc thành lập quán cà phê đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh là bước khởi đầu cho việc hình thành hệ thống quán Trung Nguyên tại các tỉnh thành Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Năm 2003, sản phẩm cà phê hòa tan G7 ra đời bằng sự kiện “Ngày hội cà phê hòa tan G7” tổ chức tại dinh Thống Nhất vào ngày 23/11. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn lượt người tham gia và G7 đã ghi dấu ấn bằng cuộc “thử mù” nổi tiếng.

Đến năm 2012, Cà phê Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê số 1 tại Việt Nam với số lượng người tiêu dùng cà phê lớn nhất, ước tính khoảng 11/17 triệu hộ gia đình Việt Nam sử dụng.

Năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên đổi tên thành Trung Nguyên Legend.

Xem thêm

Thụy Khanh - Hoàng Lan