|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tập đoàn thép lớn nhất Ukraine tuyên bố không bao giờ hoạt động khi Nga chiếm đóng

12:29 | 18/04/2022
Chia sẻ
Chiến sự ác liệt tại thành phố Mariupol đã làm cho Ukraine mất hơn 1/3 năng lực luyện kim. Tỷ phú Rinat Akhmetov cam kết sẽ xây dựng lại Mariupol cũng như tái thiết toàn bộ Ukraine.

Cổng nhà máy thép Illich Steel and Iron Works bị hư hỏng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ở thành phố cảng Mariupol, ngày 15/4/2022. (Ảnh: Reuters).

Thiệt hại vật chất khổng lồ

Tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Ukraine là Metinvest do tỷ phú Rinat Akhmetov kiểm soát. Ông Akhmetov từng là Phó Thủ tướng của Ukraine và hiện là người giàu nhất đất nước Đông Âu này.

Ngày 15/4, Metinvest tuyên bố sẽ không bao giờ vận hành dưới sự chiếm đóng của quân đội Nga và cho biết hơn 1/3 công suất luyện kim của Ukraine đã phải dừng hoạt động do giao tranh ở thành phố cảng Mariupol.

Metinvest cũng cho hay, sản lượng khai thác quặng sắt của Ukraine đã giảm hơn 50% kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2. Thống kê dưới đây cho thấy Ukraine là một trong những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất châu Âu và trong top 10 thế giới.

 

“Chúng tôi tin vào thắng lợi của Ukraine và dự định nối lại sản xuất sau khi giao tranh kết thúc. Các doanh nghiệp luyện kim của Metinvest sẽ không bao giờ vận hành dưới sự chiếm đóng của Nga”, Metinvest tuyên bố.

Những con số mà Metinvest đưa ra đã phần nào cho thấy thiệt hại kinh tế ghê gớm của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nga hiện nay đang tập trung binh lực để tổ chức một đợt tấn công mới quy mô lớn ở phía đông Ukraine, khu vực tập trung nhiều nhà máy thép và mỏ than.

Metinvest có hai nhà máy thép lớn là Illich and Azovstal ở thành phố cảng Mariupol. Trong nhiều tuần qua, Mariupol đã bị quân đội Nga bao vây và bắn phá liên tục, đa phần thành phố đã biến thành đống đổ nát.

Hiện nay, quân đội Nga đã kiểm soát gần hết thành phố và ra tối hậu thư yêu cầu quân Ukraine đầu hàng. Tuy nhiên, phía Ukraine đã phớt lờ, thề sẽ chiến đấu đến cùng.

Theo Al Jazeera, khoảng 2.500 quân Ukraine đang cố thủ trong nhà máy thép Azovstal rộng khoảng 11 km2 và có hệ thống hầm ngầm chằng chịt.

Trước xung đột, Mariupol có dân số khoảng 450.000 người, đa phần đã được sơ tán và hiện còn khoảng 100.000 người đang bị mắc kẹt trong tình trạng thiếu thức ăn, nước uống. Phía Ukraine cho biết các đợt bắn phá liên tục của quân Nga đã làm ít nhất 21.000 người thiệt mạng.

Thông cáo của Metinvest cho biết các nhà máy ở Mariupol đã bị thiệt hại nhưng hiện không thể đánh giá cụ thể tình hình do giao tranh đang ác liệt.

Các nhà máy của Metinvest ở Mariupol chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng luyện kim của Ukraine. “Vì vậy, Ukraine đã mất khoảng 30-40% năng lực sản xuất kim loại kể từ các nhà máy ngừng hoạt động. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng các nhà máy sẽ vận hành trở lại, nhưng Mariupol phải là của Ukraine”, công ty của tỷ phú Rinat Akhmetov tuyên bố.

Chỉ một tuần trước khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2, ông chủ Rinat Akhmetov đã thông báo kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong năm 2022 để hiện đại hóa nhà máy và xây dựng cơ sở sản xuất mới.

Hôm 19/3, Metinvest cho biết hai quả đạn pháo đã rơi trúng nhà máy thép Azovstal. Chỉ vài ngày trước đó, công ty này thông báo nhà máy luyện coke Avdiivka đã bị trúng đạn và hư hỏng một phần.

Xe tăng Nga ở Mariupol, ngày 18/3/2022. (Ảnh: Reuters).

Cam kết tái thiết

Tỷ phú Rinat Akhmetov trả lời trang Reuters cuối tuần vừa qua: “Mariupol là một thảm kịch toàn cầu, nhưng cũng là một biểu tượng về sự anh hùng cho toàn thế giới. Đối với tôi, Mariupol mãi mãi là một thành phố của Ukraine”.

“Tôi tin rằng những người lính dũng cảm của chúng tôi sẽ bảo vệ thành phố dù tôi hiểu tình hình rất khó khăn và nguy hiểm”, ông Akhmetov nói và cho biết thêm rằng ông vẫn giữ liên lạc hàng ngày với các quản lý của nhà máy thép Azovstal và Illich ở Mariupol.

“Tham vọng của tôi là trở lại một thành phố Mariupol của Ukraine và thực hiện các kế hoạch sản xuất mới để đưa thép của Mariupol đi cạnh tranh ở các thị trường quốc tế như trước đây”, vị tỷ phú giàu nhất Ukraine nói. “Chúng tôi sẽ xây dựng lại toàn bộ Ukraine”.

Tỷ phú Rinat Akhmetov - người giàu nhất Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Theo thống kê của tạp chí Forbes, tài sản ròng của ông Akhmetov đạt 15,4 tỷ USD vào năm 2013. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào đầu năm 2014, gia tài của ông Akhmetov teo tóp dần, hiện còn khoảng 3,9 tỷ USD.

“Đối với chúng tôi, chiến tranh nổ ra từ năm 2014. Chúng tôi mất tất cả tài sản ở Crimea cũng như vùng lãnh thổ đang tạm thời bị chiếm đóng Donbass. Chúng tôi mất đi cơ sở làm ăn, nhưng chúng tôi mạnh mẽ hơn và cứng rắn hơn”.

Vị tỷ phú ước tính thiệt hại về vật chất của xung đột Nga – Ukraine hiện nay đã lên tới 1.000 tỷ USD. “Chúng tôi chắc chắn sẽ cần một chương trình tái thiết chưa từng thấy từ cộng đồng quốc tế, một Kế hoạch Marshall cho Ukraine”.

Ông Akhmetov đang nói đến chương trình hỗ trợ của Mỹ để giúp châu Âu xây dựng lại sau Thế chiến thứ 2. “Tôi tin rằng tất cả chúng ta sẽ xây dựng một Ukraine tự do, dân chủ, thành công và thuộc về châu Âu sau khi chiến thắng cuộc chiến này”.

Song Ngọc - Đức Quyền

Khối ngoại tiếp đà mua ròng gần 360 tỷ đồng, tâm điểm FPT
NĐT nước ngoài có phiên mua ròng thứ 4 liên tục trên HOSE với quy mô hơn gần 355 tỷ đồng.