|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) có gần 9.400 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện cuối năm 2022

09:55 | 31/01/2023
Chia sẻ
Cuối năm 2022, GVR ghi nhận gần 9.377 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn, hầu như là doanh thu từ cho thuê hạ tầng, khu dân cư, chiếm 38% tổng nợ phải trả của tập đoàn.

GVR lãi gần 4.500 tỷ đồng năm 2022

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) cho thấy doanh thu thuần đạt 9.013 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán giảm. Trong cơ cấu doanh thu, mảng sản xuất kinh doanh mủ cao su đóng góp 6.710 tỷ đồng, chiếm 74% tổng doanh thu và cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Trong kỳ, lợi nhuận gộp của GVR giảm 34% về 1.687 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 26,6% cùng kỳ về 18,7% quý IV/2022.

Trừ đi các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp gia tăng, GVR lãi sau thuế 1.311 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 911 tỷ, lần lượt giảm 27% và 37% so với cùng kỳ.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của GVR đạt 25.315 tỷ, lợi nhuận sau thuế 4.797 tỷ, giảm lần lượt 3,3% và 10% so với năm 2021.

Cuối năm 2022, Hội đồng quản trị GVR đã thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất giảm 5% so với kế hoạch cũ, từ 29.707 tỷ đồng xuống 28.280 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 4.900 tỷ đồng, giảm 24% so với kế hoạch ban đầu. 

Theo GVR, nguyên nhân khiến tập đoàn điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2022 do xung đột của một số nước trên thế giới làm ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao, các đơn vị thành viên GVR chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền cùng với việc lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào vì sự suy giảm giá trị của đồng Kip Lào trong kỳ lập báo cáo.

Như vậy so với kế hoạch mới, GVR đã thực hiện được 89% kế hoạch doanh thu và vượt 17% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, đồng USD tăng giá mạnh, giá cao su liên tục giảm.

Trong khi đó, sự cạnh tranh về giá giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng lên. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

 Nguồn: BCTC quý IV/2022 của công ty. 

Gần 9.400 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, chủ yếu từ cho thuê hạ tầng, khu dân cư

Cuối năm 2022, quy mô tài sản của GVR giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm về 78.064 tỷ, chủ yếu tập trung ở tài sản cố định gần 34.000 tỷ đồng. 

Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tại cuối tháng 12/2022 của GVR khoảng 15.633 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm và bằng 1/5 tổng tài sản. Tính riêng quý IV/2022, GVR lãi hơn 190 tỷ đồng từ tiền gửi, tiền cho vay.

Bên cạnh đó, GVR còn đầu tư 2.776 tỷ đồng vào công ty liên doanh, liên kết, đơn vị khác. Năm 2022, tập đoàn thu lãi 299 tỷ đồng từ việc rót vốn vào các công ty này.

Hàng tồn kho tính đến cuối quý IV hơn 4.000 tỷ đồng, tăng khoảng 530 tỷ so với ngày 1/1/2022, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và thành phẩm tồn kho.

GVR ghi nhận gần 9.377 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn, hầu như là doanh thu từ cho thuê hạ tầng, khu dân cư, chiếm 38% tổng nợ phải trả của tập đoàn.

Cuối tháng 12, quy mô nợ đi vay của GVR là 7.411 tỷ, giảm gần 1.600 tỷ so với đầu năm. Chi phí lãi vay của tập đoàn phải trả trong năm 2022 hơn 500 tỷ.

Vốn chủ sở hữu của GVR tại cuối kỳ là 53.203 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 4.783 tỷ, quỹ đầu tư phát triển là 5.089 tỷ đồng.

Minh Hằng