Tăng trưởng tín dụng đạt 8,18% trong 8 tháng đầu năm
HSC: NHNN có thể nới ‘room’ tín dụng khi tăng trưởng GDP quý III có dấu hiệu giảm tốc | |
Trong cái lý siết tín dụng |
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tín dụng trong tháng 8 chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới. Tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách, đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý, ở mức 8,18%.
Mức tăng trưởng này là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế cuối năm 2017 ở mức 6,5 triệu tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng 17% trong năm nay, ước tính sẽ có thêm khoảng 1,1 triệu tỷ được bơm qua hoạt động cho vay.
Như vậy, với mức tăng trưởng hiện tại, thì trong 4 tháng còn lại của năm sẽ có khoảng 573 nghìn tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng đạt 8,18% trong 8 tháng đầu năm (Ảnh minh hoạ) |
Báo cáo cũng nhận định kinh tế thế giới có nhiều biến động trong tháng 8/2018 bởi mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn trong việc xác định vị thế mới của các nước này trong bối cảnh mới, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh, giữa Mỹ và Nga,… đã làm dấy lên những lo ngại đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Ngày 23/8/2018, Mỹ áp mức thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Sau hai ngày đàm phán (ngày 22- 23/8), Mỹ và Trung Quốc đều không đạt được thỏa thuận nào giúp chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp theo tình hình của cuộc chiến tranh thương mại và cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù vậy, kinh tế của Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Ngày 21/8/2018, Moody’s đã đánh giá Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018-2022, giúp ổn định tình hình nợ công của Việt Nam, năng lực cạnh tranh được cải thiện, dòng chảy thương mại lành mạnh và tiêu dùng trong nước ở mức cao.
Trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý III và cả năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các FTA.