|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trong cái lý siết tín dụng

08:00 | 18/08/2018
Chia sẻ
Ngày 2/8/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của toàn ngành trong những tháng cuối năm 2018. Chỉ thị này có một nội dung rất đáng chú ý và có thể sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong năm 2018. Đó là NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng từ nay đến hết năm 2018.
trong cai ly siet tin dung Không nới 'room' tín dụng có làm khó các ngân hàng?
trong cai ly siet tin dung Nếu lạm phát vẫn xu hướng tăng, cần siết tín dụng lại?
trong cai ly siet tin dung
Tăng trưởng cho vay của TPBank và HDBank đã vượt mức 15%. Ảnh: THÀNH HOA

Như thông tin từ đầu năm 2018, phần lớn các ngân hàng tốp đầu (nhóm G14) chỉ được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14-16%, nhóm các ngân hàng nhỏ hơn được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16-18%. Mục tiêu của NHNN là kiểm soát tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ở mức 17% trong năm 2018, thấp hơn so với con số 18,02% của năm 2017.

Nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng đầu năm 2018, có lẽ một số ngân hàng sẽ không còn nhiều room để có thể giải ngân trong các tháng còn lại của năm 2018. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng cho vay của TPBank và HDBank đã vượt mức 15%. Quyết định nói trên của NHNN khiến nhiều ngân hàng bất ngờ, bởi những tháng cuối năm thì nhu cầu vốn của nền kinh tế thường tăng cao, là thời điểm để các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Căn cứ vào đâu mà NHNN đưa ra quan điểm cứng rắn như vậy? NHNN giải thích rất ngắn gọn là bám sát phương châm chủ động, an toàn, linh hoạt và hiệu quả từ đầu năm 2018 của Thủ thướng Chính phủ. Tuy nhiên, xem ra giải thích này chưa hoàn toàn thuyết phục các thành viên thị trường. Việc NHNN giao chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng rồi lại điều chỉnh theo diễn biến thực tế vào thời điểm cuối năm đã trở thành thông lệ từ nhiều năm nay. Với động thái này của NHNN, nhiều ngân hàng có thể sẽ phải tiến hành điều chỉnh kế hoạch cũng như chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.

NHNN nên xem xét để điều chỉnh lại hạn mức tăng trưởng tín dụng vào thời điểm giữa năm tài chính. Nguyên tắc có thể áp dụng là tổng tăng trưởng không đổi nhưng điều chỉnh tăng cho các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và ngược lại. Có như thế, các ngân hàng mới thấy được sự hợp lý cả trên góc độ chính sách điều hành và diễn biến thực tiễn của thị trường.

Giải thích của NHNN ở trên rất chung chung và không thể lượng hóa được. Theo quan điểm của cá nhân người viết, có thể có hai nguyên nhân chính khiến NHNN đưa ra quyết định như vậy.

Thứ nhất, diễn biến lạm phát tại Việt Nam và toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh. Do đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải tăng lãi suất để hạn chế cung tiền ra nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam không thể làm vậy vì nó sẽ đi ngược lại với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Để hạn chế cung tiền thì NHNN đã siết lại hạn mức tăng trưởng cho vay của các ngân hàng. Hay diễn giải một cách cụ thể hơn là NHNN đang gián tiếp thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhiều ngân hàng đang sụt giảm nhanh sau khi Thông tư số 19/2017 của NHNN có hiệu lực kể từ ngày 12-2-2018. Theo đó, từ ngày này, các ngân hàng sẽ phải trừ 25% khỏi vốn tự có cấp 2 (Tier 2) đối với các khoản nợ thứ cấp(1) (subordinated debt) được mua, đầu tư bởi các tổ chức tín dụng khác. Và từ ngày 1-1- 2021, toàn bộ số vốn tự có cấp 2 được phát hành theo cách này sẽ bị trừ toàn bộ khỏi vốn tự có của các ngân hàng. Thời gian qua, phát hành cho nhau nợ thứ cấp (back to back) là cách mà nhiều ngân hàng “lách luật” để cùng nhau tăng được vốn tự có khi tính toán CAR.

Số liệu thực tế cũng phần nào chỉ ra rằng quy định trên đã ảnh hưởng mạnh đến hệ số CAR của một số ngân hàng. Theo đó, hệ số CAR của VietinBank đã giảm từ 10% vào cuối năm 2017 xuống còn 9,5% vào ngày 31-3-2018. Nguyên nhân là do VietinBank hiện có đến 25.000 tỉ đồng vốn tự có cấp 2. Hệ số CAR của VPBank cũng đã giảm từ 14,6% xuống còn 13,2% tính tới ngày 30-6-2018. Hệ số CAR của các ngân hàng như BIDV và Vietcombank cũng có thể bị tác động rất lớn khi mà vốn tự có cấp 2 của hai ngân hàng này hiện lần lượt vào khoảng 19.500 và 11.000 tỉ đồng. Chính vì vậy mà gần đây VietinBank và BIDV đã liên tục tìm cách để phát hành vốn tự có cấp 2 ra công chúng nhưng không bao gồm cho các tổ chức tín dụng nhằm bù đắp sự sụt giảm hệ số CAR theo quy định tại Thông tư 19/2017.

Nếu như đúng là hai nguyên nhân trên đã khiến cho NHNN phải đưa ra quyết định như vậy thì sẽ tiếp tục phát sinh thêm câu hỏi: căn cứ vào đâu mà NHNN lại giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khác nhau cho các ngân hàng? Liệu có sự công bằng trong cách giao chỉ tiêu hay không? Chắc chắn rằng NHNN có các tiêu chí cụ thể để phân loại, xếp hạng rồi giao chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí đó. Tuy nhiên, để tránh những hoài nghi, có lẽ NHNN nên công khai các tiêu chí và cũng công khai hạn mức của từng ngân hàng từ thời điểm đầu năm. Có như vậy, các ngân hàng mới biết và cố gắng điều chỉnh để được hạn mức cao hơn cho năm sau.

Ngay cả khi đã làm như vậy rồi thì NHNN vẫn nên xem xét để điều chỉnh lại hạn mức tăng trưởng tín dụng vào thời điểm giữa năm tài chính. Nguyên tắc có thể áp dụng là tổng tăng trưởng không đổi nhưng điều chỉnh tăng cho các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và ngược lại. An toàn, hiệu quả sẽ được đo bằng hệ số CAR và tỷ lệ nợ xấu (NPL). Có như thế, các ngân hàng mới thấy được sự hợp lý cả trên góc độ chính sách điều hành và diễn biến thực tiễn của thị trường. Việc các ngân hàng đang hoạt động tốt cũng đang bị áp chung một chính sách với các ngân hàng chưa tốt sẽ làm triệt tiêu động lực phát triển. Ngoài ra, còn phải tính tới yếu tố các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Rõ ràng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ đầu tư vào các ngân hàng tốt, có tiềm năng. Quy định như hiện nay sẽ làm giảm đi phần nào động lực của họ.

(1) Đây là các khoản nợ có thời hạn trên năm năm, không có tài sản đảm bảo, không được thanh toán trước hạn và sẽ được thanh toán sau các khoản nợ khác khi mà tổ chức phát hành phá sản.

Xem thêm

Ngọc Khanh